Công an xã kể chuyện vận động người hoàn lương hướng thiện
Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn L, bố của Mầu Tiến Ánh (SN 1984, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội), một người đã từng có thời lầm lỗi, vượt qua chính mình.
Men theo con đường làng quanh co, chúng tôi tìm về xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Cát Quế có lẽ là địa bàn hiếm hoi của huyện ven đô vẫn còn lưu giữ được những nét truyền thống của làng quê vùng Bắc Bộ với những điếm canh cổ kính rêu phong, là nơi sinh hoạt của người dân trong xã.
Căn nhà hai tầng của vợ chồng anh Mầu Tiến Ánh còn thơm mùi vôi mới, nằm nép mình trong một căn ngõ nhỏ. Lúc chúng tôi đến là thời gian hiếm hoi rảnh rỗi của vợ chồng họ, sau những giờ làm việc ở trang trại… Nhìn cơ ngơi của vợ chồng Ánh bây giờ, ai cũng mừng cho họ. Cát Quế là xã thuần nông của huyện Hoài Đức, địa hình phức tạp, dân cư chủ yếu sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ. Vào những ngày nông nhàn, người dân trong xã bỏ đi làm ăn xa, từ đó mang theo một số tệ nạn xã hội về địa phương.
Cũng như nhiều gia đình trong xã, thu nhập của gia đình anh Mầu Tiến Ánh cũng chỉ trông chờ vào nông nghiệp nên chẳng khá giả gì. Song ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới', Ánh vẫn chưa biết thương bố, mẹ; Ánh nghịch ngợm, ương bướng và luôn là nỗi lo của bố, mẹ và người thân trong gia đình. Cũng chỉ vì nóng giận, thiếu kiềm chế, Ánh đã gây ra vụ cố ý gây thương tích, với hành vi này Ánh đã bị vướng vào lao lý. Nhưng bản án này không làm Ánh lo sợ. Rảnh rỗi sinh nông nổi, Ánh đua đòi chúng bạn tập tành sử dụng ma tuý rồi nghiện lúc nào không hay.
Khi Ánh bị bắt giữ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý, cả gia đình Ánh đều bàng hoàng, còn vợ của Ánh thì hoàn toàn suy sụp. Nhớ lại những chuỗi ngày đó, vợ Ánh ngậm ngùi: "Ngày chồng bị bắt, tôi đang mang thai cậu con trai thứ hai được 7 tháng, còn cô con gái lớn mới được 3 tuổi. Không công ăn việc làm, những ngày đó ba mẹ con tôi sống dựa vào sự đùm bọc, cưu mang của bố mẹ chồng. Có những lúc, tôi tưởng chừng gục ngã. Ngày trở dạ sinh con không có chồng ở bên; rồi khi trái nắng trở trời, con đau ốm"…
Ở trong trại giam những ngày đó, Ánh cũng sống trong tâm trạng day dứt. Ánh không thể quên được ngày nhận được lá thư của người cha gửi vào trong trại. Những lời lẽ chân tình của cha đẻ đã khiến Ánh nhiều đêm không ngủ, suy nghĩ về những gì đã qua… Và rồi cùng với sự giáo dục của các cán bộ quản giáo, Ánh quyết tâm cải tạo tốt, sớm trở lại với cộng đồng.
"Mong ước là vậy nhưng ngày ra trại em từng mất phương hướng. Công ăn việc làm không có, lại chẳng có đồng vốn trong tay… Nếu lúc đó không có sự giúp đỡ của các cán bộ Đội Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, Công an huyện Hoài Đức và Công an xã Cát Quế, tôi sẽ chẳng có ngày hôm nay"- anh Mầu Tiến Ánh nhớ lại.
Cát Quế nằm ở phía Tây Bắc của huyện Hoài Đức, tình hình ANTT cơ bản ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp trên tất cả các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma tuý, môi trường. Nhưng ngày đầu chân ướt, chân ráo xuống địa bàn, Trung tá Nguyễn Trung Thắng, Trưởng Công xã Cát Quế đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để nắm địa bàn. Từ những ngày lăn lộn ở thực địa, ba cùng với bà con, anh và các thành viên nhận thấy trong những năm qua, phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trên địa bàn xã đã được xây dựng nhưng chưa được phát huy sâu rộng trong nhân dân. Trong đó, đáng chú ý trên địa bàn có 18 người đã từng có một thời lầm lỗi sau khi cải tạo trở về địa phương sinh sống…
"Giữ an ninh trật tự, không chỉ là khám phá các vụ án, mà còn là phòng ngừa, ngăn chặn mầm mống của tội phạm"- Trưởng Công an xã Cát Quế cho biết. Từ tình hình địa bàn, Công an xã Cát Quế đã phối hợp với Đội phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, lựa chọn mô hình giúp đỡ người làm lỗi tái hoà nhập cộng đồng để triển khai thực hiện. Ngày 18/6/2021, Công an xã Cát Quế đã tham mưu với UBND xã thành lập "Tổ giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng xã Cát Quế".
Ngay sau khi tổ công tác được thành lập, Công an xã Cát Quế phối hợp với Đội xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc đã tiến hành rà soát; lập danh sách người chấp hành xong hình phạt tù. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách địa bàn gặp gỡ, nắm tình hình về hoàn cảnh sinh sống, mối quan hệ của người đã chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương.
Thông qua công tác họp thôn, xóm, cụm dân cư, các thành viên của tổ đã lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến tới quần chúng chấp hành pháp luật. Đồng thời, tham mưu cho UBND xã xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh tế cho những người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương được vay vốn ngân hàng, quỹ tín dụng. Anh Ánh là một trong những trường hợp được lựa chọn. Sau khi gặp gỡ chia sẻ và biết được nguyện vọng của anh và gia đình là muốn được vay vốn, phát triển kinh tế, Công an xã Cát Quế đã phối hợp với ngân hàng trên địa bàn, tạo điều kiện cho anh được vay vốn.
Có đồng vốn trong tay, vợ chồng anh Ánh bắt đầu phát triển trang trại. Nhờ sự chăm chỉ cần cù, kinh tế của vợ chồng họ ngày càng khá giả. Có việc làm, lại được sống trong tình yêu thương của gia đình và sự giúp đỡ của các chiến sĩ Công an, anh Ánh đã tập trung làm ăn kinh tế. Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, vợ chồng anh đã xây dựng căn nhà khang trang.