1. Trang chủ /
  2. Công bố quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040

Công bố quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040

thứ bảy, 11/3/2023 15:37 GMT+07
Thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ (cũ) đã triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo hai đồ án quy hoạch chung để quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng phát triển đô thị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn (bên trái) bàn giao hồ sơ tài liệu về quy hoạch chung thành phố Hạ Long cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn (bên trái) bàn giao hồ sơ tài liệu về quy hoạch chung thành phố Hạ Long cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Sáng 11/3, tại thành phố Hạ Long, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023.

Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Văn Diện cho biết trước khi huyện Hoành Bồ được sáp nhập vào thành phố Hạ Long (trước tháng 12/2019), thành phố Hạ Long được quản lý quy hoạch xây dựng theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 702/QĐ-TTg ngày 07/6/2019; huyện Hoành Bồ được quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực phía Nam huyện Hoành Bồ được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 1989/QĐ-UBND ngày 14/5/2019.

Thành phố Hạ Long và huyện Hoành Bồ (cũ) đã triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo hai đồ án quy hoạch chung nêu trên để quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng phát triển đô thị.

Theo quy hoạch chung, thành phố Hạ Long sẽ được xây dựng phát triển trở thành đô thị du lịch, dịch vụ, văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ-du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn-Kỳ Thượng.

Thành phố Hạ Long phát triển theo hướng bền vững phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố.

Ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long, phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch chung thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Về phát triển đô thị, thành phố Hạ Long sẽ có quy mô dân số khoảng 620.000-650.000 người vào năm 2030 và có khoảng 800.000-830.000 người vào năm 2040.

Thành phố Hạ Long phát triển theo mô hình gồm 5 vùng. Cụ thể, vùng Hạ Long là vùng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Vùng phía Đông là vùng đô thị hiện hữu gắn với các chức năng trung tâm hành chính-chính trị, văn hóa cấp tỉnh, trung tâm tổng hợp.

Vùng phía Tây là vùng đô thị phát triển mở rộng gắn với chức năng dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí quốc tế, dịch vụ cảng và công nghiệp, công nghệ cao, trung tâm y tế, thể dục thể thao cấp vùng.

Ngoài ra, vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc vịnh Cửa Lục là vùng đô thị mới, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, vui chơi giải trí, công nghiệp công nghệ cao, dự trữ phát triển các trung tâm dịch vụ công cộng cấp tỉnh.

Vùng đồi núi phía Bắc là khu vực nông thôn, đồi núi gắn với các chức năng bảo tồn sinh thái, sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái cộng đồng.

Trong mô hình tổ chức không gian phát triển của tỉnh “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”: Thành phố Hạ Long được xác định là tâm, là trung tâm chính trị-hành chính-kinh tế-văn hóa của tỉnh. Đồng thời, trong vùng động lực đại đô thị Hạ Long mở rộng gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều.

Đây là trung tâm động lực tổng hợp đa ngành của tỉnh, với ngành kinh tế trọng tâm là du lịch, dịch vụ, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp khai khoáng, cảng biển, các ngành năng lượng sạch,...

Hạ Long cũng được xác định là trung tâm của vùng. Sự phát triển của thành phố Hạ Long có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của tỉnh.

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh để đáp ứng yêu cầu của quy hoạch mới, thành phố Hạ Long cần tiếp tục rà soát hoàn thiện bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của thành phố sau khi mở rộng địa giới hành chính, không gian phát triển; tổ chức thực hiện quy hoạch một cách khoa học, đặc biệt trong quản lý phát triển đô thị; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; quản lý và sử dụng đất đô thị; quản lý xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng và không gian ngầm đô thị.

Khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất của thành phố, đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; nhất là các quy hoạch, dự án, công trình trọng điểm của tỉnh.

Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân phát triển, làm động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh...

Để thực hiện quy hoạch chung, giai đoạn 2022-2025, thành phố Hạ Long sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị; triển khai phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh; hoàn thiện các tuyến giao thông và nút giao thông đấu nối với cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 và đường vanh đai ven vịnh Cửa Lục; các dự án hạ tầng du lịch đang triển khai tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu.

Giai đoạn 2025-2030 phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển, hoàn thiện các tuyến đường ven biển, không gian công cộng và du lịch công cộng ven biển.

Cùng đó, giai đoạn 2031-2040, mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận như thành phố Uông Bí, Cẩm Phả và thị xã Quảng Yên để tạo không gian phát triển hài hòa, dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long cần tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hạ Long; quản lý toàn diện các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị theo đúng quy hoạch chung được duyệt.

Đặc biệt, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư, các khu vực nằm trong vùng bảo vệ di tích./.