1. Trang chủ /
  2. Công nhân thất nghiệp về quê, 'thủ phủ' nhà trọ tại TPHCM rơi vào cảnh ảm đạm

Công nhân thất nghiệp về quê, 'thủ phủ' nhà trọ tại TPHCM rơi vào cảnh ảm đạm

thứ tư, 2/8/2023 09:49 GMT+07
Con hẻm 58 trên đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) giờ đây rơi vào cảnh vắng vẻ, loạt dãy trọ treo biển cho thuê khi công nhân bỗng thất nghiệp, bỏ đi nơi khác.
Cảnh ảm đạm tại "thủ phủ" phòng trọ ở quận Bình Tân, TPHCM Cảnh ảm đạm tại "thủ phủ" phòng trọ ở quận Bình Tân, TPHCM

Từng được mệnh danh là “thủ phủ” nhà trọ công nhân tại TPHCM, con hẻm 58 trên đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM) giờ đây vắng hoe, sau khi hàng loạt công nhân thất nghiệp phải trở về quê. 

Nơi đây chỉ còn lác đác bóng dáng của vài công nhân còn bám trụ lại. Đa số họ cũng bị giảm giờ làm, hồi hộp chờ ngày có tên trong danh sách giảm biên chế. Trên con hẻm dài khoảng 100m, các dãy trọ nối tiếp nhau treo bảng “còn phòng”, “cho thuê phòng giá rẻ”,…

Bà Trần Thị Thuật (quản lý nhà trọ) cho hay, dãy trọ của bà có khoảng 40 phòng nhưng giờ đây chỉ còn 6 phòng có người thuê. Trong đó, một số phòng cũng đang lục đục dự định dọn đi, vì công nhân sắp thất nghiệp.

Được biết, công nhân ở dãy trọ đa phần làm việc tại một công ty lớn trên địa bàn. Nhưng ai nấy đều bị làm giờ làm, có người chỉ làm được 2-3 ngày/tuần, nhận mức lương bèo bọt. Mặc dù giá phòng chỉ dao động từ 800.000 đến 1 triệu đồng/phòng, tùy theo vị trí, nhưng không ít công nhân vẫn xin khất nợ vì thu nhập giảm mạnh.

Trước đây, vì phòng trọ của bà Thuật giá rẻ, lại an ninh, sạch sẽ nên khách đến thuê phải đạt được tiêu chuẩn về đạo đức, nghề nghiệp, lý lịch rõ ràng. Thế nhưng, giờ đây dãy trọ rơi vào cảnh ế ẩm, dù bà Thuật có phớt lờ các tiêu chí đó thì vẫn không có ai đến hỏi thuê.

Chị Hương (29 tuổi) cho hay, chị vừa bị cho thôi việc vài tháng trước. Có 2 con nhỏ, chị và chồng giờ đây chịu nhiều áp lực tài chính khi công việc tạp vụ không đủ để nuôi 4 miệng ăn. “Nếu cứ như vầy, về quê là điều không muốn cũng phải làm”, chị Hương thở dài, nói.

Cách đó không xa, tiệm tạp hóa của chị Tùng (56 tuổi) cũng rơi vào cảnh ảm đạm không kém. Không nhân thất nghiệp, trả phòng đi nơi khác, tiệm của chị cũng mất dần những mối quen. Thấy nhiều công nhân còn bám trụ lại có hoàn cảnh khó khăn, chị chấp nhận cho họ nợ tiền hàng, đến mức quyển sổ ghi nợ dày cộm nay cũng đã kín chữ.

“Thấy người ta khổ mình cũng đâu dám đòi. Có người trả, người thì thiếu vài triệu đồng rồi đi mất. Khổ là khổ chung, tôi cũng không biết nên lên tiếng thế nào”, chị Tùng trải lòng.

Dọc trên con hẻm, chị Tùng chỉ tay về phía dãy trọ 3 tầng lầu, cho biết rằng chủ trọ đã treo bảng cho thuê từ cuối năm 2022. Mặc dù đã giảm giá từ 800.000 xuống 500.000 đồng/phòng, có chủ trọ còn chia hoa hồng cho người môi giới, nhưng căn trọ vẫn thiếu người ở.