Công tác biên giới lãnh thổ: Hài hòa luật pháp quốc gia với luật pháp quốc tế
Việt Nam luôn tôn trọng quy định luật pháp quốc tế
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong quan hệ quốc tế, mối quan hệ giữa chủ quyền, biên giới quốc gia đối với an ninh, hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển. Điểm lại các kết quả trong quá trình giải quyết, xử lý các vấn đề biên giới lãnh thổ Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về vai trò và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế - cơ sở quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.
Cùng với quá trình giải quyết, Việt Nam không chỉ tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế mà còn xây dựng và củng cố hệ thống pháp lý quốc gia, bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. “Trong quá trình giải quyết tranh chấp biên giới lãnh thổ với các quốc gia láng giềng, Việt Nam luôn tôn trọng và thiện chí áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình”, Thứ trưởng nêu rõ.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Pierre Du Ville - Trưởng Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam bày tỏ vui mừng trước các kết quả hợp tác giữa Vùng Wallonie-Bruxelles với Việt Nam nói chung và với Ủy ban Biên giới quốc gia nói riêng, nhất là trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, góp phần vào việc xử lý thỏa đáng các vấn đề biên giới lãnh thổ, tạo dựng một khu vực, thế giới hòa bình, ổn định.
Pháp luật Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế
Tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả trong nước, đại diện các Bộ, ngành đã nêu bật ý nghĩa và kết quả triển khai Luật Biên giới quốc gia sau 20 năm ban hành và đi vào cuộc sống; thực tiễn thực thi Luật Biển Việt Nam sau 10 năm có hiệu lực; khẳng định pháp luật Việt Nam về biên giới lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhấn mạnh, sau 20 năm được ban hành, Luật Biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội sâu sắc đối với công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia. Việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Biên giới quốc gia đã tạo động lực phát triển mới trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, làm cho biên giới giàu mạnh, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng được cải thiện…, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Điểm lại những kết quả nổi bật của công tác biên giới sau 20 năm Luật Biên giới quốc gia được ban hành, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến cho hay, trên tuyến biên giới đất liền, chúng ta đã ký kết 7 văn kiện pháp lý về biên giới, phân giới cắm mốc được hơn 5.000 cột mốc, cọc dấu. Luật cũng là cơ sở pháp lý để Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng tổ chức duy trì kiểm tra, kiểm soát tại hơn 200 cửa khẩu, lối mở, đường qua lại trên biên giới đất liền và cảng biển; kiểm tra, kiểm soát gần 800 triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu; kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục và bảo đảm an ninh, an toàn cho khoảng 15 triệu lượt người xuất, nhập cảnh.
Trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, trên cơ sở Luật Biên giới quốc gia, Nhà nước đã tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực, sức mạnh để phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội, thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền; qua đó tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận, chia sẻ nhiều nội dung có liên quan đến việc xây dựng, bảo vệ và quản lý biên giới lãnh thổ; nhất trí về tầm quan trọng của luật pháp quốc tế đối với tiến trình này cũng như đề xuất các biện pháp nhằm hài hòa hóa giữa luật pháp quốc gia với luật pháp quốc tế trong công tác biên giới lãnh thổ.