Cụ Phạm Văn Ngọ đã chết sau 2 năm chờ duyệt chính sách người khuyết tật
Từ gần 2 năm nay, ông Phạm Văn Bình con trai cụ Phạm Văn Ngọ tham vấn, nghiên cứu pháp luật, đến nhiều cơ quan để xin được trợ cấp xã hội cho cụ Ngọ. Nhưng không hiểu vì lí do gì, UBND huyện Lạc Thủy không thẩm định hồ sơ và xét duyệt trợ cấp xã hội cho cụ. Hồ sơ thủ tục làm đúng, đầy đủ theo Luật Người khuyết tật năm 2010; Nghị định hướng dẫn số 28/2012/NĐ–CP của Chính phủ; Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Ông Bình cho biết: “Bố tôi năm nay cũng 90 tuổi rồi, thêm cái tai biến mạch máu não, liệt ½ cơ thể, không đi lại được, thường xuyên tiểu tiện tại chỗ. Gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã, nhưng vẫn luôn phải túc trực chăm sóc cho ông cụ, nhà có hai vợ chồng là lao động chính, nên phải thay phiên nhau, người đi làm, người nghỉ ở nhà còn chăm sóc cho cụ, cố gắng chạy vạy và nhờ vả để cho cụ cái chế độ giống cụ ông, cụ bà cùng thôn, xóm để vui vẻ sống cùng con, cùng cháu. giờ Cụ mất rồi, gia đình tôi rất buồn, bất bình về cách làm việc của các cơ quan huyện Lạc Thủy”.
UBND huyện Lạc Thuỷ có Văn bản số 307 /UBND-LĐTBXH ngày 28/2/2022, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình
Nhà nước ta luôn có chính sách ưu tiên đối với người cao tuổi, hỗ trợ hết mức nhằm ổn định an sinh xã hội, nâng cao cuộc sống tinh thần cho người dân. Người cao tuổi luôn được ưu tiên hàng đầu. Việc ký kết tham gia Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật ngày 22/11/2007, đã thể hiện được tinh thần, ý thức trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam đối với việc bảo đảm, thực thi quyền con người, quyền của người khuyết tật. Luật Người khuyết tật năm 2010 ra đời thay thế cho Pháp lệnh Người tàn tật năm 1998, là bằng chứng thể hiện bước chuyển lớn lao, khá căn bản về nhận thức và hành động thực tế của Nhà nước và xã hội Việt Nam đối với vấn đề người khuyết tật. Đó là chuyển từ cách thức tư duy nhìn nhận vấn đề người khuyết tật như việc nhân đạo, từ thiện sang tư duy về người khuyết tật trên cơ sở quyền con người.
Việc gần 2 năm nay không xét duyệt hồ sơ, cấp chế độ cho gia đình chỉ vì do thiếu xác nhận, giấy khám chữa bệnh, chứng nhận bệnh án, giấy tờ khám chữa bệnh…Thực tế quy định pháp luật là không cần thiết phải có. Thậm chí, khi đi hỏi lại được vị Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lạc Thủy trả lời: Người dân không có quyền gì thắc mắc, không thuộc đối tượng để hỏi người cơ quan Nhà nước. Ông cụ cũng mất rồi, quyền lợi cũng chẳng cần nhận, nhưng nhìn lại sự việc ở trên khắp đất nước ta liệu sẽ có, còn bao nhiêu trường hợp giống như ông cụ nhà tôi, đến chết vẫn chưa được hưởng chế độ" - ông Bình chia sẻ thêm.
Sự vô cảm và con số không biết nói dối!?
Thay vì tiếp nhận thông tin bài báo và khắc phục sự chậm trễ, giải quyết các thắc mắc, tồn đọng, giải quyết chế độ cho người cao tuổi, thì ngày 21/2/2022, bà Đinh Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Lạc Thủy lại chỉ đạo cán bộ là bà Giang (Phó phòng) xuống nhà dân “lập biên bản”. Vị Phó phòng này xuống nhà dân lập biên bản theo chỉ đạo bằng miệng, không có bất cứ văn bản, giấy tờ nào kèm theo.
Ông Bình bức xúc: “Vị cán bộ này xuống nhà không tuân thủ đúng quy định về tổ chức cán bộ, không đủ thành phần. Gia đình tôi không có hành vi vi phạm pháp luât lại tới lập biên bản, nên đã bị cháu tôi mời ra khỏi nhà”.
Mới đây, UBND huyện Lạc Thuỷ có Văn bản số 307 /UBND-LĐTBXH ngày 28/2/2022, do Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Vân gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, báo cáo về nội dung phản ánh của Tạp chí Người Cao Tuổi, cụ thể:
“Ngày 28/10/2020, gia đình ông Phạm Văn Ngọ, sinh năm 1933, trú tại thôn Hồng Phong 2, xã Yên Bồng có đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật (viết tay) cho ông Phạm Văn Ngọ gửi UBND xã Yên Bồng, đến tháng 6/2021 ông Hồ Thanh Cương - Nguyên công chức Lao động -Thương binh xã Yên Bồng hướng dẫn gia đình ông Phạm Văn Ngọ làm hồ sơ thủ tục để xét duyệt…”.
Theo ông Phạm Văn Bình: “Gia đình đã làm đơn ngay khi cụ Ngọ bị tai biến giữa trung tuần tháng 10/2019, chứ không phải 28/10/2020 như báo cáo trên nêu. Cứ cho rằng tháng 10/2020, gia đình mới có đơn, vậy tại sao tận tháng 6/2021 (sau 08 tháng) ông Hồ Thanh Chương -Nguyên công chức Lao động Thương binh xã Yên Bồng mới hướng dẫn gia đình làm thủ tục pháp lý?”.
Cũng theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ “ Sau khi tiếp nhận hồ sơ, ngày 26/1/2022, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng đã họp kết luận khuyết tật và mức độ khuyết tật của các trường hợp thuộc xã Yên Bồng trong đó có hồ sơ của ông Phạm Văn Ngọ. Căn cứ Biên bản họp ngày 26/1/2022, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng đã kết luận trường hợp Ông Phạm Văn Ngọ là khuyết tật, nhưng chưa cấp Giấy chứng nhận khuyết tật… Đến ngày 17/2/2022, hồ sơ của ông Phạm Văn Ngọ chưa hoàn thiện, nên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng chưa có văn bản đề nghị kèm hồ sơ của đối tượng gửi Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội để thẩm định trình UBND huyện quyết định”.
Theo ông Bình, việc báo cáo này hoàn toàn không đúng sự thật, việc xác định mức độ khuyết tật căn cứ theo Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH và đã được UBND xã Yên Bồng cấp giấy Xác nhận khuyết tật số 159/GXNKT ngày 26/11/2021. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Ngọc Vân lại báo cáo ngày 26/1/2022 mới tiếp nhận được hồ sơ, đến ngày 17/2/2022 hồ sơ chưa hoàn thiện(!?).
Căn cứ theo Điều 5, Điều 6 Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về hướng dẫn, xác định xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định khuyết tật chỉ trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người đề nghị. Thủ tục và trình tự cấp Giấy xác nhận khuyết tật cũng chỉ 5 ngày làm việc.
Gia đình ông Bình đặt nghi vấn, có hay không việc Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy báo cáo không trung thực? hay chăng có sự bao che cho cấp dưới, “lấp liếm” cho sự tắc trách trong công việc?
Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội xem xét vào cuộc, tránh ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cán bộ địa phương, cũng như niềm tin của công dân vào pháp luật.