Cuba và các chủ nợ phương Tây nhất trí cứu vãn thỏa thuận nợ
Đại diện 14 nước chủ nợ là thành viên của Câu lạc bộ Paris và Cuba đã nhất trí tìm kiếm các giải pháp thay thế để giải quyết các khoản nợ đọng mà nước này đã bốn năm liên tiếp không thanh toán được.
Hai bên đã ra một tuyên bố chung cho biết sẽ tiếp tục đàm phán cho đến khi thiết lập được một lộ trình trả nợ mới.
Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Ricardo Cabrisas khẳng định chính phủ nước này sẵn sàng tôn trọng các cam kết với chủ nợ quốc tế khi điều kiện trong nước cho phép.
Theo thỏa thuận năm 2015, Câu lạc bộ Paris đã xóa 8,5 tỷ USD trong tổng số nợ 11 tỷ USD nợ công mà Cuba không trả được từ năm 1986, với cam kết trả dần số tiền còn lại đến năm 2023.
Theo số liệu thống kê chính thức, nguồn thu ngoại tệ của Cuba được sử dụng để nhập khẩu hàng hóa và trả nợ đã giảm hơn 50% kể từ khi thỏa thuận được ký kết.
Hãng tin Reuters ước tính Cuba mới chỉ trả được cho các chủ nợ chưa tới 500 triệu USD.
Số liệu chính thức mới nhất được công bố năm 2020 cho thấy tổng nợ nước ngoài của Cuba là 19,7 tỷ USD. Nước này đã tái cơ cấu nợ với Nga, Trung Quốc và một số chủ nợ khác. Cuba không phải là thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hay Ngân hàng Thế giới.
Trong một diễn biến khác, JetBlue, hãng hàng không đầu tiên của Mỹ khai thác các chuyến bay thường xuyên đến Cuba từ năm 2016 sau khi hai nước thiết lập lại quan hệ ngoại giao, vừa thông báo sẽ tạm dừng các chuyến bay đến đảo quốc Caribe do những hạn chế đối với du khách đến Cuba.
Trong một thông cáo ngày 1/9, JetBlue cho biết các hạn chế áp đặt đối với việc đi lại đến Cuba đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu của hành khách, do đó hãng sẽ chỉ phục vụ các tuyến bay đến Cuba tới ngày 17/9.
Trong tuyên bố, JetBlue nhấn mạnh hãng này đã làm nên lịch sử năm 2016 khi hạ cánh xuống Cuba, trở thành “hãng hàng không Mỹ đầu tiên khai thác chuyến bay thương mại giữa hai nước trong hơn 50 năm.” Chuyến bay của JetBlue là khởi đầu cho thỏa thuận song phương với 110 chuyến bay hàng ngày giữa hai nước./.