Cục Công nghệ thông tin: Đột phá, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Mai Lương Khôi; các nguyên lãnh đạo Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ Tư pháp; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo tổ chức pháp chế các bộ, ngành Trung ương, các nguyên lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin (CNTT).
Phát biểu tại buổi Lễ, Quyền Cục trưởng Phạm Quang Hiếu nhấn mạnh, với vai trò là đơn vị chuyên trách về CNTT, chuyển đổi số, Cục CNTT đã kịp thời tham mưu cho Bộ trưởng các biện pháp, giải pháp phù hợp; chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực để triển khai đạt kết quả cao các nhiệm vụ được giao; đạt được không ít kết quả đột phá và cách làm sáng tạo, góp phần xây dựng và củng cố uy tín của Bộ, ngành Tư pháp.
Một trong những kết quả tiêu biểu của Cục là việc xây dựng và triển khai hệ thống CSDLQG về pháp luật thống nhất từ trung ương tới địa phương. Hiện hệ thống đã trở thành nền tảng quan trọng với hơn 125.001 văn bản, 38.378 văn bản trung ương và 86.823 văn bản của địa phương, góp phần minh bạch hóa hệ thống pháp luật và bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin pháp luật của mọi người dân. Về đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến, đến nay, hệ thống ghi nhận hơn 974.000 hồ sơ đăng ký trực tuyến được phản hồi giúp cho việc cấp Phiếu LLTP được nhanh chóng, kịp thời và thuận tiện cho người dân, giảm áp lực tại các Sở TP khi tiếp nhận hồ sơ trực tiếp.
Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 25.000 tài khoản người sử dụng ở cả 4 cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Bên cạnh việc kết nối, chia sẻ với CSDLQG về Dân cư, Hệ thống còn kết nối với CSDLQG về Bảo hiểm để thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC): đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi hoàn toàn trên môi trường điện tử...
Phấn khởi về những thành tựu đã đạt được trong 20 năm qua, đồng thời nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ cũng như các thuận lợi, khó khăn và thách thức đang đặt ra, ông Phạm Quang Hiếukhẳng định, Cục CNTT quyết tâm phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phấn đấu vươn lên, nỗ lực đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn trong công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin tại Bộ, ngành Tư pháp.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động Cục CNTT. Bộ trưởng nhấn mạnh, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đang ngày càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị ở nước ta nói chung và công tác của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng.
Trong bối cảnh Chính phủ tập trung, quyết liệt trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển Chính phủ số và thực hiện Đề án 06 đã và đang đặt ra những cơ hội và thách thức đối với công tác của Bộ, ngành Tư pháp nói chung, Cục CNTT nói riêng, Bộ trưởng đề nghị, Cục tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, triển khai đầy đủ, kịp thời, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các văn bản, đề án, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác CNTT, chuyển đổi số liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp.
Tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vai trò là đơn vị tham mưu quản lý, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác CNTT, chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, trọng điểm như: Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu thông suốt, hiệu quả giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin…
Bên cạnh đó, nghiên cứu, tham mưu thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Tư pháp; chú trọng công tác kiện toàn, xây dựng tổ chức bộ máy đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ nhân sự làm công tác CNTT, bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Để thực hiện hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ quan trọng nêu trên, Cục CNTT cần chủ động, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ban cơ yếu Chính phủ để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc ứng dụng CNTT không phải là nhiệm vụ của riêng Cục CNTT mà là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp. Qua đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí và yêu cầu nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực công tác của cơ quan, đơn vị mình để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Với truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển, Bộ trưởng tin tưởng Cục CNTT sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy những kết quả, thành tích đạt được, tiếp tục đoàn kết, gắn bó, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thách thức để xây dựng đơn vị ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển của Bộ, ngành Tư pháp.
Với nỗ lực phấn đấu không ngừng và những đóng góp quan trọng, thiết thực, hiệu quả, Cục CNTT vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ 2). Nhân dịp này, tại buổi lễ, đã công bố Quyết định và trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển Cục CNTT.
Một số hình ảnh: