Cựu cán bộ điều tra Bộ Công an được đề nghị giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù
Sau hai ngày xét xử, ngày 26/12, phiên tòa phúc thẩm vụ "chuyến bay giải cứu" bắt đầu chuyển sang phần tranh tụng, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Quá trình xét xử, Viện Kiểm sát thấy rằng, đối với nhóm bị cáo nhận hối lộ, trong đó có bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu cán bộ thuộc Bộ Y tế) có nhiệm vụ tiếp nhận, trình văn bản liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7-15 triệu đồng/khách lẻ. Quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2/2021 đến 12/2021, Kiên đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng.
Trước khi bị khởi tố, Kiên đã trả lại cho người đưa hối lộ 12,2 tỷ đồng; nộp lại tại phiên sơ thẩm 30 tỷ đồng. Trước phiên phúc thẩm, Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 400 triệu đồng, qua đó khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ.
Theo Viện Kiểm sát, đây là tình tiết mới để xem xét giảm nhẹ. Tuy nhiên, trong vụ án này, Kiên có hành vi vòi vĩnh, hối lộ nhiều lần nhất, số tiền đặc biệt lớn nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt. Từ các căn cứ trên, Viện Kiểm sát cho rằng mức án chung thân mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên đối với Phạm Trung Kiên là phù hợp nên đề nghị bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nêu quan điểm và đề nghị giảm án cho một số bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát ghi nhận bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) có thêm các tình tiết giảm nhẹ như gia đình có nhiều người có công với cách mạng, bị cáo nộp thêm 400 triệu đồng khắc phục hậu quả, thành khẩn nhận tội, cố gắng khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, khi nhận tiền bị cáo không vòi vĩnh mà do các doanh nghiệp tự nguyện đưa, tính chất, mức độ phạm tội thấp hơn bị cáo Phạm Trung Kiên… Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt cho bị cáo Lan từ tù chung thân xuống mức án 20 năm tù.
Đối với bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Viện Kiểm sát xét thấy bị cáo Dũng đã nộp đủ tiền khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong quá trình công tác. Từ đó, Viện Kiểm sát cho rằng có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dũng, đề nghị Tòa giảm án cho bị cáo từ 3-4 năm tù. Trước đó, Tòa sơ thẩm tuyên phạt ông Dũng mức án 16 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ tội của bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại Giao), đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm cho bị cáo 2 - 3 năm tù. Trước đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Tùng mức án 12 năm tù.
Xét kháng cáo của bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), Viện Kiểm sát nhận thấy, phiên phúc thẩm bị cáo đã trình bày các tình tiết mới, bản thân đã khắc phục xong 100% hậu quả của vụ án; có nhiều bằng khen, kỷ niệm chương, đơn xin giảm nhẹ của các đơn vị, bị cáo đã thực hiện xong các quyết định sơ thẩm. Từ đó, Viện Kiểm sát đề nghị Tòa phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tân, giảm cho bị cáo 1 năm tù. Trước đó, bị cáo Trần Văn Tân bị tuyên án sơ thẩm 6 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Một bị cáo khác cũng được đề nghị giảm án là Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an). Bị cáo này được đề nghị chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giảm cho bị cáo này từ 9-12 tháng tù (bị tuyên án sơ thẩm 9 năm tù).
Đối với những bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ”, Viện Kiểm sát đánh giá, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã bổ sung thêm những tình tiết mới và được Viện Kiểm sát đề nghị giảm nhẹ hình phạt từ 6 - 18 tháng tù. Riêng bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình), Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm (7 năm tù).
Đối với hai bị cáo là cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Viện Kiểm sát nhận thấy họ đã nộp tiền phạt bổ sung, gia đình có công với cách mạng, có thành tích trong công tác… nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt Nguyễn Hoàng Linh và Đặng Minh Phương 30 tháng treo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ điều tra của Bộ Công an), Viện Kiểm sát đánh giá, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Hoàng Văn Hưng thừa nhận hành vi phạm tội "thể hiện sự ăn năn hối cải" và khắc phục toàn bộ số tiền 18,8 tỷ đồng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây được coi là diễn biến mới, là tình tiết giảm nhẹ nên Viện Kiểm sát đề nghị Tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm án từ chung thân xuống 20 năm tù.