Cựu Giám đốc BV Thủ Đức bị cáo buộc lập Cty "sân sau" để đấu thầu thiết bị
Đây là vụ án thứ hai Quân bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại vụ án đầu tiên, Quân bị Công an TP HCM đề nghị truy tố vì vi phạm đấu thầu liên quan mua kít xét nghiệm Covid Việt Á, gây thiệt hại cho BV hơn 10 tỷ đồng.
Từ năm 2021 - 2022, bị Bộ Công an điều tra khi đang là Giám đốc BV, Quân còn 8 lần chi tổng cộng hơn 3,7 triệu USD để “chạy án”. 6 người tham gia “chạy án” cho Quân đã bị xét xử, trong đó có hai cựu cán bộ của C03. Trong vụ này, Quân được đánh giá là chủ động khai báo trước khi bị phát giác nên được miễn trách nhiệm hình sự.
Theo KLĐT về vụ án sai phạm đấu thầu, Quân giữ chức Giám đốc, đại diện pháp luật của BV Thủ Đức từ 2007 đến khi bị bắt. Từ 2016 - 2020, BV tổ chức 31 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế để phục vụ khám, chữa bệnh. Trong đó 28 gói đã hoàn thiện thanh toán với tổng giá trị 346 tỷ đồng.
Quân chỉ đạo Lợi thành lập 3 Cty để cùng với 1 Cty khác của vợ Quân tham gia đấu thầu. Khi muốn Cty nào trúng thầu, Quân sẽ chỉnh sửa hồ sơ cho tốt hơn các Cty còn lại và đưa ra báo giá thấp hơn.
Tại BV, Quân ký quyết định thành lập tổ chuyên tổ chức đấu thầu nhưng các thành viên trong tổ đều bị “vô hiệu hóa”, không có quyền can thiệp. Công việc chính của họ chỉ là ký hoàn thiện hồ sơ và phối hợp với Lợi để “làm đẹp” hồ sơ theo chỉ đạo của Quân, theo KLĐT.
Quá trình làm hồ sơ đấu thầu, các nhân viên BV biết rõ nhóm Cty dự thầu đều là “sân sau” của Quân nhưng vẫn làm theo chỉ đạo để hoàn thiện, ký hợp thức hồ sơ.
Theo CQĐT, dưới sự “đạo diễn” của Quân, từ 2016 - 2020, BV Thủ Đức đã hợp thức hóa hồ sơ, ấn định cho nhóm 4 Cty do Lợi quản lý trúng 27 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu là 346 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 80 tỷ đồng. Trong số này, 3 gói thầu không thành lập tổ thẩm định mà thuê 2 đơn vị tư vấn.
Theo KLĐT, Quân biết giá mua và giá trúng thầu nên ước tính được khoản lợi nhuận của các Cty “sân sau”. Bởi thế, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo hạch toán, Quân chỉ đạo Lợi chuyển toàn bộ lợi nhuận cho vợ chồng mình.
Từ đó, Lợi 64 lần chuyển toàn bộ lợi nhuận của 27 gói thầu là 103 tỷ đồng cho Quân. Tiền hưởng lợi, vợ chồng Quân đem đi mua bất động sản, ôtô và chi tiêu cá nhân.
Tại CQĐT, Quân khai không yên tâm về chất lượng máy móc, thiết bị mua từ DN khác nên “chỉ định thầu” với các Cty của Lợi. Quân cũng thừa nhận toàn bộ vốn kinh doanh của các Cty do mình đưa cho Lợi, giao quản lý.
Quân không thừa nhận chỉ đạo các tổ chấm thầu của BV ký hợp thức hóa hồ sơ, ấn định cho Cty “sân sau” trúng thầu. Về việc này, KLĐT nhận định, Quân “không nhận thức được hành vi sai phạm của mình, đổ lỗi cho cấp dưới thực hiện không đúng quy định về đấu thầu”. Quân cho rằng chỉ liên đới chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu.
Lợi khai đã làm theo chỉ đạo của Quân để chi cho hai Phó Giám đốc BV là Ngọc và Lan Anh mỗi người 10 triệu đồng/tháng, tiền chuyển theo hàng tháng. Ngọc đã nhận tổng cộng 340 triệu đồng, Lan Anh nhận 390 triệu đồng.
Ngoài ra, sau mỗi đợt bán hàng vật tư tiêu hao cho khoa Thận nhân tạo và khoa Răng hàm mặt, Lợi làm theo chỉ đạo của Quân để chi 5% tiền “hoa hồng” cho khoa. Tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân của hai Phó Giám đốc BV là Ngọc và Lan Anh lần lượt 1,4 tỷ đồng, 784 triệu đồng.
Quá trình điều tra, C03 đã kê biên của vợ chồng Quân 1 căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng ở Nha Trang; 1 căn biệt thự song lập thuộc dự án khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son ở quận 1, TP HCM; 2 căn nhà ở TP HCM; 1 thửa đất hơn 11.000m2 ở huyện Củ Chi (TP HCM).
Theo KLĐT, Quân và Lợi phải chịu trách nhiệm về hậu quả thiệt hại của 27 gói thầu là hơn 80 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền 103 tỷ đồng hưởng lợi của vợ chồng Quân được xác định là tiền thu lời bất chính nên phải thu hồi.
Cũng theo C03, Luật Đấu thầu có thông tư, nghị định hướng dẫn nhưng có khi còn mang tính chất chung chung, chưa có hướng dẫn chi tiết cho từng hạng mục cụ thể. Hiện các trang thiết bị y tế chỉ phân nhóm, chưa chỉ rõ nhà sản xuất và giá đi kèm trên cơ sở công khai giá nhập khẩu của nhà cung cấp và thống nhất giá của nhiều bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Tài chính, Y tế. Điều này đã tạo ra kẽ hở để lách luật, trục lợi, đẩy giá trang thiết bị y tế lên cao.
Từ đó C03 kiến nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu đưa một số loại trang thiết bị y tế vào mặt hàng bình ổn giá và quản lý giá để DN không câu kết nâng giá sản phẩm.