Dành ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống bão Noru
Tuyệt đối không được chủ quan
Thủ tướng nhấn mạnh đây là cơn bão rất mạnh, dự báo sức gió cấp 13 - 14, giật cấp 16 và sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền ở khu vực miền Trung. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các tỉnh, thành miền Trung tập trung, dành ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống lụt bão, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, theo dõi sát diễn biến của cơn bão, triển khai nghiêm các công điện, chỉ đạo phòng, chống bão của Trung ương.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc tới cơn bão Durian (hay bão số 9 tại Việt Nam) cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của (khoảng 10.000 tỉ đồng ở thời điểm đó). Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: rà soát kỹ, kêu gọi bằng được tàu thuyền, ngư dân vào nơi neo đậu an toàn, không ra khơi đánh bắt hải sản trong vài ngày tới. Kiểm tra kỹ, có phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, an toàn đê điều, hồ đập, lồng bè thuỷ hải sản...
Thủ tướng cũng lưu ý sau bão thường có mưa lớn nên phải đặc biệt chú ý đề phòng sạt lở đất, lũ quét, có phương án di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bão. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Phương châm “cẩn tắc vô áy náy”
Ngày 26/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng Đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão số 4 (bão Noru) tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão Noru tại TP Đà Nẵng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao tinh thần chủ động của các tỉnh miền Trung trong ứng phó với bão. Với sự chuẩn bị tích cực của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng có thể tạm yên tâm trước khi cơn bão đến. Tuy nhiên, khi bão vào sẽ còn rất nhiều tình huống xảy ra, do đó, Bộ trưởng yêu cầu địa phương này tiếp tục vận động tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là đối với cơn bão theo dự bão là 1 cơn bão tương đối lớn.
“Ngoài việc chủ động trong kêu gọi các tàu thuyền neo đậu, hướng dẫn các tàu thuyền ngoài khơi tìm nơi tránh trú, các tỉnh miền Trung sẽ có những tình huống khó lường khi bão vào, trong đó có vấn đề sạt lở ở khu vực miền núi. Dù hiện nay, các tỉnh cũng đã chuẩn bị những kịch bản tương đối để ứng phó như bố trí điểm tái định cư, di dời dân ở vùng xung yếu, tuy nhiên, cần phải có thêm những lực lượng thường xuyên, túc trực hàng ngày ở cạnh bà con để kiểm soát tốt tình hình. Khi có tình huống xấu xảy ra sẽ động viên, thậm chí cưỡng chế với phương châm “cẩn tắc vô áy náy” nhằm đối phó với cơn bão Noru này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo.
Cùng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã kiểm tra công tác ứng phó với bão Noru tại công trình hồ chứa Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Công trình có tổng dung tích 344 triệu mét khối nước. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã lên kế hoạch sơ tán 182.000 người trong trường hợp bão mạnh, hơn 400.000 người trong trường hợp siêu bão. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9.
Các tỉnh sẵn sàng ứng phó
Tại Quảng Ngãi, theo bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, Quảng Ngãi đã chủ động các phương án ứng phó trước khi cơn bão Noru đổ bộ vào đất liền. Tỉnh cũng đã quán triệt các địa phương không được để xảy ra những sự cố, vấn đề do lỗi chủ quan, trừ những sự cố bất khả kháng, ngoài mong muốn. Kinh nghiệm từ những cơn bão trước, người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, vấn đề lo ngại nhất vẫn là sau khi cơn bão đi qua, ảnh hưởng của mưa lớn và hoàn lưu của bão không thể chủ quan. Điều quan tâm nhất là đảm bảo tính mạng cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. “Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đến 5 huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn. Lý Sơn được xác định là vùng đầu tiên ảnh hưởng nặng của bão nên ngày từ 25/9, lực lượng quân đội đã giúp cho bà con chằng chống nhà cửa và thực hiện các phương án ứng phó”, bà Vân nói.
Tại TP Đà Nẵng, đến chiều 26/9, toàn bộ tàu thuyền của TP Đà Nẵng đã vào bờ neo đậu tránh bão số 4. Các địa phương ở TP Đà Nẵng lên phương án sơ tán dân theo từng cấp độ. Theo đó, trường hợp bão cấp 8 đến 11, thành phố sẽ đưa hơn 35.000 người đi sơ tán; bão cấp 12 đến cấp 13 sẽ có khoảng 67.000 người sơ tán và bão từ cấp 14 đến 17 sẽ sơ tán hơn 100.000 người. Việc ứng phó với lũ ở các sông trên mức báo động 3 là 1 mét sẽ sơ tán 8.700 người; lũ trên báo động 3 là 1,5 mét sẽ có khoảng 10.000 người sơ tán và trường hợp lũ trên báo động 3 là 2 mét sẽ có 20.000 người sơ tán. Huyện Hòa Vang có kế hoạch sơ tán 28.500 người dân tránh bão và ngập lụt tại 14 điểm trường học.
Chiều 26/9, toàn bộ học sinh trên địa bàn thành phố cũng đã nghỉ học. Tại các điểm trường sau đó được trưng dụng làm điểm sơ tán dân đưa dân vào tránh bão. Ngoài ra, lãnh đạo Đà Nẵng thống nhất từ 12h trưa nay (27/9), cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ nghỉ làm việc; dừng họp chợ trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Sở Công Thương thành phố lên phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ hơn 32.250 hộ dân vùng bị ảnh hưởng bão số 4, mỗi hộ được hỗ trợ 385.000 đồng. Bí thư Thành uỷ cũng đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao tiến hành tháo dỡ tất cả các biển quảng cáo trên các đường phố để đảm bảo an toàn.
Ngày 26/9, tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 4, bão Noru. Để chủ động ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các đơn vị đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, mưa lũ. Do nhiều ngày qua ở Nghệ An có mưa lớn khiến mực nước các sông, hồ đập dâng cao, để đảm bảo an toàn hồ đập, nhiều nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh đã tiến hành điều tiết xả lũ như thủy điện Châu Thắng, thủy điện Hủa Na, thủy điện Bản Cốc (huyện Quế Phong), thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông)…
Bộ Y tế yêu cầu trực cấp cứu 24/24h
Trước diễn biến của siêu bão Noru (Bão số 4), Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh - Bình Thuận, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ chủ động ứng phó với diễn biến của bão Noru và mưa lũ. Theo đó, tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24h, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cùng đó duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức phòng chống lụt bão.
Theo Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão Noru, đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, khả năng cao khi vào gần bờ, cường độ bão cấp 12 - 13. Bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 4 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với mức độ rủi ro thiên tai đến cấp 4 (cấp rủi ro thiên tai chỉ đứng sau cấp 5 - thảm họa trong thang 5 cấp).
Dự báo đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 14 (134 -166km/giờ), giật cấp 17. Đến 13h ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền Thừa Thiên - Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 -11 (89 - 117km/giờ), giật cấp 13. Từ chiều tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định sóng biển cao 3 - 5m, vùng gần tâm bão 6 - 8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0 - 1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Từ ngày 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250 - 350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng Bằng Bắc Bộ.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 270 ra ngày 27/9/2022)