Dấu ấn văn học trẻ
Thử sức nhiều lĩnh vực khó
Nhà văn Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM cho rằng, hiện nay, trong xu hướng hội nhập toàn cầu, văn học trẻ đang có những chuyển động mới mẻ. Dường như ở người đọc thế hệ mới, tiểu thuyết, truyện Việt đang có cơ hội bứt lên khỏi cái bóng quá lớn của văn học dịch. Một số tác phẩm đáng chú ý bao gồm “Hai người trong một ngăn tủ” của Phát Dương, “Những khán giả ngồi trong bóng tối” của Hiền Trang, “Nhân sinh kép” của Đức Anh, “Ma quỷ dân gian ký” của Duy Văn, “Ngủ cùng người chết” của Thảo Trang, “17 âm 1” của Doo Vandenis, “Tước gấm giấu đay: Những nữ nhân khuynh biến hoàng triều” của nhiều tác giả, “Thị trấn mùa đông” của Nhật Phi, “Giải cứu chả chìa” của Đào Thu Hà, “Sĩ số lớp vắng 0” của Emma Hạ My. Điều đặc biệt là sự chú trọng vào các thể loại khó như kinh dị, trinh thám và tâm linh đã mang lại nhiều thành công rực rỡ.
Có thể nói, văn học kinh dị là tâm điểm của năm 2023. Các tác giả như Thảo Trang, Thục Linh, Tống Ngọc lần lượt cho ra mắt các tác phẩm mới. Nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, kịch nói, audio và tái bản nhiều lần. Trước hết, điều này bắt nguồn từ thực tế Việt Nam đã trải qua một khoảng thời gian lâu dài trống trải các đầu truyện tâm linh và kinh dị. Trong khi đó, các yếu tố huyền bí của bản địa lại hợp với tư duy truyền thống của người dân phương Đông, tạo ra sức hút đặc biệt.
Thực tế, văn học kinh dị đương đại tại Việt Nam được cho có những nét tương đồng với các tác phẩm kinh dị từ đầu thế kỷ XX của các nhà văn Nguyễn Tuân, Lan Khai… ở chỗ kết hợp giữa lối viết ma mị và truyền thống dân gian, đồng thời lấy cảm hứng từ các tác phẩm điện ảnh và truyện kinh dị phương Tây. Nhưng suy cho cùng, điểm nổi bật và mới lạ ở đây là lần đầu tiên các “mã văn hoá” bản địa được khai thác một cách nghiêm túc và đẩy lên làm những tâm điểm thu hút cho câu chuyện.
Ngoài ra, các xuất bản phẩm được chăm chút minh hoạ bởi lối vẽ dân gian đương đại và các tác giả trẻ “chịu khó” tạo ra những quà tặng kèm đi cùng sách và sự góp sức của những đơn vị sách. Tất cả làm nên một diện mạo văn học mới mẻ, giàu sức sống.
Sau một năm nhiều “làn gió” sáng tạo, ngoài các tác phẩm văn học kinh dị, trinh thám, tâm linh, năm 2024 được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều ấn phẩm có nội dung tốt, có giá trị nhân văn, mang tính thời sự, hấp dẫn về hình thức được xuất bản, phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc ở tất cả loại sách.
Tạo cơ hội cho văn học trẻ
Bên cạnh nỗ lực tự thân, sự đón nhận, đồng hành, cổ vũ của giới nghề và độc giả sẽ mở rộng đường cho tác giả trẻ đi tới. Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, Phó Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, những người trẻ hiện nay có tư duy của người viết không biên giới. Kiến thức của họ được tích lũy hằng ngày thông qua việc đọc, xem, trao đổi trên nhiều phương tiện công nghệ hiện đại. Vì thế, tôn trọng sự phát triển đa dạng sẽ tạo cơ hội cho văn học trẻ bung nở trong tương lai.
Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH,TT&DL phối hợp với Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) vừa tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ năm 2023” tại Hà Nội. Nhà thơ Trần Hữu Việt - Trưởng Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, trước hết, cần quan tâm vấn đề đào tạo nhân lực; tiếp theo là tổ chức các cuộc thi văn học với giải thưởng uy tín, giá trị cao nhằm cổ vũ, khích lệ người trẻ vững tâm đi tiếp trên con đường văn học. Cùng với đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các cây bút trẻ xuất bản tác phẩm, có thể thông qua đặt hàng...
Nhà văn Trịnh Bích Ngân mong muốn: “Nhìn từ góc độ hội nghề nghiệp, chúng tôi cho rằng, nên có chiếc lược đầu tư thỏa đáng cho tác giả trẻ, không chỉ của TP HCM. Tác phẩm văn học phải được xem như một kênh văn hóa quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn và phẩm chất con người Việt Nam hiện tại cũng như tương lai, mà bệ phóng chính là những nhà văn trẻ bây giờ. Cần có ngân sách hợp lý dành cho văn học trẻ. Nhà nước nên mạnh dạn đặt hàng cho các tác giả trẻ, nhất là thể loại tiểu thuyết. Khi và chỉ khi, các tác giả trẻ yên tâm với sứ mệnh ngồi trước trang viết thì họ mới phát huy hết trách nhiệm người cầm bút đích thực”.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, văn học Việt Nam có sức sống mãnh liệt, các thế hệ trẻ ngày nay đang tiếp bước cha anh. Bộ VH,TT&DL luôn sẵn sàng tổ chức các trại sáng tác dành cho những cây viết trẻ để học hỏi, sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học. Hiện, Bộ đang nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động văn học, tạo đà cho sự phát triển của văn học Việt Nam, nhất là văn học trẻ...