Dấu hiệu lỏng lẻo trong quản lý hoạt động khám chữa bệnh ở Ba Vì
Theo ghi nhận thực tế, dọc các tuyến đường quanh thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì là hàng loạt biển, bảng, quảng cáo lương y khám bệnh, bốc thuốc. Trong vai người bệnh, phóng viên (PV) đến nhà người phụ nữ xưng là Lương y Dương Thị Thanh.
Tại đây có hàng trăm loại thuốc đông y gia truyền được chào bán ngoài thị trường hàng triệu đồng mỗi liệu trình được sản xuất tại đây. Tất cả không có bất cứ một quy trình khép kín nào, việc sản xuất bằng xô, chậu, bao thuốc thành phẩm, cũng để ngay dưới đất để đóng gói và thậm chí là tận dụng phần đất thừa để dựng lán nấu cao thuốc.
Trong quá trình nói chuyện, bà Thanh giới thiệu mình có thể chữa được nhiều bệnh và phán bệnh khi nghe người bệnh kể về các triệu chứng mà không cần bắt mạch hay thăm khám. Sau đó, bà Thanh gợi ý khách mua lọ thuốc với giá là 300.000/1 lọ và một liệu trình phải uống ít nhất là 3-5 lọ mới khỏi.
Tại kho thuốc nhà bà Thanh có hàng trăm vỏ hộp thuốc kèm theo đó là tem mác hàng chính hãng chữa các bệnh về dạ dày, xương khớp, viêm da cơ địa, huyết áp cao, u tuyến giáp… Những lọ có mác thuốc trị bệnh ở đây có số giấy phép kinh doanh với công bố chất lượng lại là một.
Bà Thanh cho biết: “Nhà cô có tất cả các loại thuốc, khớp, dạ dày gan thận, u, tuyến giáp, ngứa, trĩ nội, trĩ ngoại có hết, … chữa bách bệnh. Thuốc nam gia truyền này từ lâu đời các cụ để lại, cô làm được hơn 35 năm rồi, từ ngày bé đi theo các ông các bà để lấy thuốc đến năm 26 tuổi thì bốc thuốc chữa bệnh”.
Cũng theo bà Thanh, hiện tuy bà không bán hàng trên mạng xã hội nhưng nhiều đại lý, công ty nhập thuốc của bà để kinh doanh. “Nhiều đứa bán hàng nó gọi điện hỏi người bệnh bị như thế này thì tư vấn uống thuốc như thế nào. Thuốc nam không có tác dụng phụ gì nên không ảnh hưởng đến sức khỏe” – theo bà Thanh.
Tiếp tục đến nhà bà Dương Thị Minh với mong muốn được khám và chữa bệnh suy giảm chức năng sinh lý. Trong quá trình bắt mạch, bà Minh cũng liên tục khoe chữa được bách bệnh, chỉ cần nghe giới thiệu qua là đã có thể nắm bắt được bệnh và nhanh chóng đi bốc thuốc.
Loại thuốc mà bà Minh bán cho chúng tôi bên cạnh những cây thuốc khô được đựng trong bọc nilon thì người phụ nữ này còn đưa cho khách một miếng cao, không có tem mác hay hướng dẫn nào, chỉ dặn là cho vào nồi nước sôi đun cho tan ra rồi uống, sau vài liệu trình, chức năng sinh lý sẽ khoẻ lại.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc khám chữa bệnh của những lương y cắm biển quảng cáo trên địa bàn xã Ba Vì cũng như các vấn đề liên quan đến hoạt động nuôi trồng sản xuất dược liệu Hợp tác xã thuốc nam, PV đã có buổi làm việc với ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì.
Vị Chủ tịch xã cho biết đúng là ở xã có làng nghề thuốc nam còn có bao nhiêu hộ kinh doanh, sản xuất, bốc thuốc khám bệnh thì ông này không nắm được. Về quyết định thành lập Hợp tác xã thuốc nam, Chủ tịch xã Ba Vì khẳng định đã có nhưng hiện tại chủ trương chưa chuyển đến xã và mời PV lên Sở, Phòng Y tế để tìm hiểu rõ hơn.
Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường cho biết: “Ba Vì không có ai sản xuất thuốc và không ai được phép sản xuất thuốc. Hợp tác xã thuốc nam không thuộc thẩm quyền của tôi quản lý. Việc cấp giấy chứng nhận không thuộc thẩm quyền của huyện. Cấp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Sở Y tế, trước sự việc báo phản ánh chúng tôi sẽ ghi nhận, tìm hiểu và kiểm tra theo quy định của pháp luật”.
Đối với vấn đề các cơ sở có được cấp phép khám chữa bệnh hay không, đại diện Phòng Y tế huyện Ba Vì khẳng định không có. “Hợp tác xã nuôi trồng dược liệu chỉ nuôi trồng chế biến dược liệu, chứ không sản xuất được thuốc”, vị này nói.
Tuấn Anh – Lê Chiên