Dạy thêm cần được xem là ngành kinh doanh có điều kiện
Trong phiên thảo luận Quốc hội vào sáng ngày 20/11 vừa qua, ông Nguyễn Văn Huy - Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhận định rằng nếu các bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính, nhiều người hoạt động ở các lĩnh vực khác đều có thể làm thêm ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì các thầy, cô giáo được dạy thêm là chính đáng.
Ông Huy cho rằng việc nhiều giáo viên tăng cường dạy thêm để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống là quyền lợi chính đáng. Cùng với đó, nhu cầu học thêm của nhiều học sinh là có thật. Để bồi bổ kiến thức, nâng cao thêm năng lực… thì nhiều học sinh luôn muốn được học thêm để sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi…
Tuy nhiên, Phó đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh rằng thời gian vừa qua cũng có nhiều “điều tiếng” không hay về vấn đề dạy thêm, học thêm. Trên thực tế thì không thiếu các hiện tượng “biến tướng” khi nhiều giáo viên dạy bài học trên lớp lửng lơ, nửa chừng và chỉ hoàn thiện ở lớp học thêm. Nội dung kiểm tra, đề thi được giáo viên đưa ra khi dạy thêm khiến điểm số chênh lệch giữa học sinh đi học và không học thêm.
Thế nên, việc cần làm là các cơ quan chức năng có trách nhiệm như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… cần sớm ban hành các quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm - học thêm để cho có hiệu quả, phát triển đúng với nhu cầu của thực tiễn ngành Giáo dục.
Trong khi đó, phát biểu trước Quốc hội, cô giáo Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) thừa nhận rằng quy định hiện nay là giáo viên không được dạy thêm tự phát, không được dạy học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa... Nhưng trên thực tế thì giáo viên có rất nhiều cách để dạy thêm, chẳng hạn như thành lập công ty để yên tâm dạy thêm đúng luật, dạy thêm ở trung tâm và thỏa thuận mức chi phí…
Hiện nay, theo Thông tư 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quản lý dạy thêm - học thêm thì giáo viên không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, một thực tế có thể dễ dàng nhận ra là các thầy, cô đều vẫn đang mở các lớp dạy thêm, còn các học sinh thì vẫn tranh thủ “chạy show” cho kịp giờ học.
Ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1, TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu có thể bổ sung dạy thêm - học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì đây là việc rất nên làm. Ông cho biết hiện tại nhiều giáo viên ở trường công có nhiều thời gian trống nên đi thỉnh giảng thêm ở các trường tư và chịu mức thuế thu nhập cá nhân. Nếu quản lý như ngành nghề kinh doanh thì sẽ mở đường cho giáo viên đăng ký - dạy bao nhiêu học sinh, thu mức giá bao nhiêu và các cơ quan quản lý sẽ thu thuế.
Ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết học thêm là nhu cầu thiết thực của các em học sinh. Trên thực tế, Bộ Giáo dục đã có văn bản quy định đầy đủ việc kiểm soát dạy thêm trong khuôn khổ nhà trường gồm đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử, văn hóa học đường, thực thi công vụ.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cho biết trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản cho Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung dạy thêm, học thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.
Ông Nguyễn Kim Sơn cũng mong muốn phụ huynh học sinh cùng phối hợp vì trên thực tế nhu cầu học thêm đến từ các phụ huynh. Ông Sơn cũng đề nghị chính quyền địa phương phối hợp, kiểm soát việc dạy thêm học thêm bên ngoài 53.000 trường học trên cả nước.
Điều 4 Thông tư 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trường hợp không được dạy thêm gồm: Học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học thêm. Học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm cần được gia đình đồng ý.