“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ chính quyền, bảo vệ nền độc lập Tạm ước Việt - Pháp 14/9/1946: “Mềm dẻo trong sách lược, cứng rắn trên nguyên tắc”
Gian nan cho khát vọng hòa bình
Nhìn lại những gì mà Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn quá đỗi non trẻ cách đây 77 năm đã phải nỗ lực để bảo vệ nền độc lập, thấy rõ đó là hành trình quá đỗi gian nan.
Qua rất nhiều nỗ lực, Hiệp định sơ bộ Việt Nam - Pháp 6/3/1946 mới được ký kết. Nhưng đến giai đoạn thực thi, phía Pháp lúc đó lại cho rằng: nội dung của bản Phụ khoản của Hiệp định có nhiều điểm không có lợi cho Pháp. Từ đó, thực dân Pháp cố tình phá hoại Hiệp định, tiến hành các hành động quân sự nhằm hiện thực hóa âm mưu tái chiếm Đông Dương.
Nhận diện rất rõ, rất sớm âm mưu ấy, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục chọn con đường đấu tranh ngoại giao, vừa để tránh những xung đột quân sự vừa để tranh thủ thời gian hoà hoãn.
Từ ngày 19/4 - 11/5/1946, ta tổ chức một hội nghị trù bị, gặp gỡ giữa hai phái đoàn Việt và Pháp tại Đà Lạt để chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau (Paris) chính thức khai mạc vào tháng 7/1946. Cả cuộc gặp gỡ tại Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau đều nhằm mục tiêu đàm phán về nền độc lập của Việt Nam trong khối Liên hiệp Pháp và việc thống nhất đất nước Việt Nam như đã được đề cập trong Hiệp định sơ bộ.
23 ngày trôi qua căng thẳng nặng nề trôi đi nhưng hội nghị tại Đà Lạt kết thúc mà không đạt kết quả gì tích cực. Sau này, qua sách báo của Pháp ta được biết: Phái đoàn Pháp sang Đà Lạt với một “chỉ thị rất nghiêm ngặt” rằng: Không những phải làm sao cho hội nghị trù bị thất bại mà điều quan trọng là còn phải lái dư luận tin rằng, nguyên nhân đàm phán sơ bộ tan vỡ là “do phía cộng sản gây nên”. Tuy nhiên, kết quả của Hội nghị không ngăn nổi một cuộc đàm phán chính thức trên đất Pháp như đã quy định trong Hiệp định Sơ bộ.
Ngày 31/5/1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu khởi hành sang Pháp tham dự Hội nghị Fontaineblau. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lên đường thăm Cộng hòa Pháp.
Thực tế lịch sử diễn ra sau đó đã chứng minh rằng Pháp không thực tâm muốn đàm phán hòa bình mà chỉ câu giờ để có thời gian chuẩn bị đủ lực lượng tái chiếm Đông Dương. Thế nên, không lấy gì quá ngạc nhiên khi cũng giống như Hội nghị tại Đà Lạt, Hội nghị Fontaineblau, kéo dài hơn 2 tháng (6/7 - 10/9/1946), nhưng không đem lại kết quả cụ thể nào. Hai bên đã bế tắc ở hai điểm bất đồng then chốt: 1)Việc thống nhất ba kỳ: Bắc, Trung, Nam; 2) Trao trả độc lập cho nước Việt Nam.
Ngày 15/8/1946, đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã rời Paris về nước. Những bất trắc có thể xảy ra và nguy cơ một cuộc chiến tranh lan rộng đã đến rất gần. Trước tình hình căng thẳng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lưu lại Pháp ít ngày.
“Tôi đến đây để xây dựng hoà bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong muốn” - chia sẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với báo Franc-Tireur có thể xem là như lời giải cho quyết định lưu lại nước Pháp của Người.
“Ứng vạn biến” để có thêm “nhịp nghỉ” quý giá cho cách mạng
“Ứng vạn biến”, “Linh hoạt trong ứng biến, mềm dẻo trong từng cách xử thế”, vì một điều “dĩ bất biến” là “độc lập cho Tổ quốc”, “tự do cho đồng bào” - đó là nhìn nhận của báo chí và các sử gia về quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh việc trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet một văn bản thỏa thuận trong ngày 14/9/1946. Nhất là trong bối cảnh tình hình “đã căng như dây đàn”.
Ngày 12/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet một dự thảo gồm 11 điểm. Ngày 14/9/1946, Marius Moutet gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một dự thảo của Pháp. 1 giờ sáng 15/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Marius Moutet đã ký bản Tạm ước (modus vivendi) Việt – Pháp 14/9/1946.
Tạm ước 14/9/1946 có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/1946, chứa đựng những nhân nhượng cao nhất về kinh tế, thương mại mà Chính phủ Việt Nam có thể dành cho Pháp. Tạm ước quy định hai bên sẽ tiếp tục cuộc đàm phán chậm nhất là tháng 1/1947, sẽ cùng ấn định thể thức trưng cầu dân ý ở Nam Bộ và đảm bảo các quyền tự do, dân chủ ở Nam Bộ. Đó là những nhân nhượng cuối cùng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam có thể cam kết. Nếu nhượng bộ thêm nữa sẽ vi phạm đến độc lập, chủ quyền tối cao của đất nước, của dân tộc Việt Nam.
Quyết định gặp gỡ Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được ghi vào lịch sử cách mạng Việt Nam như một mẫu mực tuyệt vời về sự nhân nhượng có nguyên tắc để giữ hòa bình. Sau này, một nhà báo đã nhìn nhận bản Tạm ước 14/9/1946 như một “nhịp nghỉ cần thiết cho hòa bình”.
Thật vậy, quyết sách tài tình này đã tạo điều kiện cho nhân dân ta kéo dài thêm một khoảng thời gian hòa bình quý giá để tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc kháng chiến, mà theo nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thì tất yếu sẽ xảy ra.