1. Trang chủ /
  2. Di tích phải mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền tiếp nhận công đức, tài trợ

Di tích phải mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền tiếp nhận công đức, tài trợ

thứ hai, 24/7/2023 20:44 GMT+07
Đây là một trong những điểm đáng chú ý được quy định rõ tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ

Theo đó, việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ được quy định rõ tại Điều 9 Thông tư 04/2023/TT-BTC.

Trường hợp thứ nhất, tiếp nhận tiền công đức, tài trợ qua điện tử, di tích phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Trường hợp thứ hai, tiếp nhận tiền mặt: Di tích phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.

Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

Trường hợp thứ ba, tiếp nhận giấy tờ có giá: Thông tư quy định, di tích được nhận công đức, tài trợ phải mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).

Trường hợp thứ tư, tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Thông tư quy định, di tích được nhận công đức, tài trợ phải mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.

Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng kim khí quý, đá quý, bao gồm tổ chức bán đấu giá, bán cho ngân hàng thương mại hoặc đưa vào lưu giữ, trưng bày tại di tích, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).

Phải quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích 

Đối với di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ, Thông tư quy định, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định tại Điều 9 Thông tư nêu trên.

Số tiền công đức, tài trợ đã tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể), đơn vị sự nghiệp công lập phân bổ và sử dụng như sau:

Trích theo tỷ lệ phần trăm (%) để tạo nguồn kinh phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích khác trên địa bàn cấp tỉnh (không áp dụng đối với di tích có số thu tiền công đức, tài trợ thấp không đủ chi cho hoạt động lễ hội và chi thường xuyên): Số tiền này chuyển vào tài khoản riêng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Điều 16 Thông tư này (nếu có);

Trích để lại theo tỷ lệ phần trăm (%) để chi hoạt động lễ hội theo quy định tại Điều 5 Thông tư này (áp dụng đối với di tích có hoạt động lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích).

Trường hợp đơn vị không được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội thì chuyển số tiền này vào tài khoản của đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư này;

Trích để lại theo tỷ lệ phần trăm (%) để chi hoạt động thường xuyên của đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư này: Đơn vị được tự chủ sử dụng theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và được tổng hợp vào các khoản thu xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Số còn lại, được để lại chi các khoản đặc thù theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này. Đến cuối năm, số dư kinh phí (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho các nhiệm vụ đặc thù của di tích.

Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng Quyết định mới hoặc Quyết định sửa đổi, bổ sung về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ áp dụng tại di tích, trong đó quy định cụ thể mức trích theo các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều này; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, gửi Sở Tài chính để chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật có liên quan. Các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được hạch toán kế toán và quyết toán vào nguồn hoạt động khác được để lại của đơn vị theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành.

Bộ Tài chính đề xuất kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc
Như Báo Công lý đã thông tin, trong văn bản báo cáo Chính phủ vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất kế hoạch kiểm tra việc quản lý tiền công đức tổng thể trên toàn quốc.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 54.000 di tích, trong đó có 123 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, gần 4.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 10.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh và trên 40.000 di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tại các di tích này, mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội, trong đó có khoảng 7.000 lễ hội truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo và hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng.
Thực tế tại tỉnh Quảng Ninh cho thấy, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho di tích và lễ hội; tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên phạm vi cả nước mà mới chỉ dừng ở phạm vi di tích, theo cách làm riêng của mỗi địa phương. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, việc kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên toàn quốc thực sự cần thiết, là dịp để tổng hợp, đánh giá đầy đủ hơn về hoạt động này.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.