Dịch vụ mang xe đi đăng kiểm hộ như "con dao hai lưỡi"!
Một số trung tâm đăng kiểm vẫn đang phải dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Những cơ sở còn đang hoạt động thì cũng đã phát phiếu hẹn đến hết tháng 4, thậm chí sang tận tháng 5/2023. Để thoát cảnh “ăn chực, nằm chờ” mệt mỏi ở cổng trung tâm đăng kiểm, nhiều chủ phương tiện chấp nhận bỏ chi phí để nhờ dịch vụ xếp hàng lấy số, mang xe đi đăng kiểm hộ.
Chỉ cần thao tác tìm kiếm trên Google, mạng xã hội Facebook, không khó để thấy nhiều mẫu tin đăng kèm số điện thoại liên lạc, thông báo sẵn sàng nhận xe đăng kiểm hộ vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào trong khu vực nội thành Hà Nội. Mức giá được những người làm dịch vụ này đưa ra là từ 1 - 2 triệu đồng với xe ô tô dưới 9 chỗ; từ 1,5 - 5 triệu đồng đối với xe trên 9 chỗ, xe tải, xe khách. Để tăng tính thuyết phục, các tài khoản cung cấp dịch vụ còn cam kết sẵn sàng áp dụng hình thức “xe đổi xe”, tức chủ xe và người đi đăng kiểm hộ hoán đổi xe cho nhau trong thời gian xe đi đăng kiểm; chủ phương tiện an tâm không lo xe bị mang cầm đồ; nhận xe hôm trước trả ngày hôm sau trong 24 giờ…
Thuận tiện cho chủ phương tiện khi có nhu cầu, đơn giản trong thủ tục giao nhận xe là điểm dễ nhận thấy ở loại hình dịch vụ này, và đây cũng chính là kẽ hở tiềm tàng phát sinh nhiều rủi ro pháp lý.
Đơn cử, ngày 25/3, Công an quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã tiến hành tạm giữ hình sự đối tượng Đặng Thanh Dũng (40 tuổi, trú tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra, do gặp khó khăn khi đăng kiểm, một nhân viên lái xe đã nhờ đến dịch vụ "cò" là Đặng Thanh Dũng mang 2 ô tô 16 chỗ hiệu Toyota đi đăng kiểm lại. Do cần tiền trả nợ và tiêu xài nên Dũng nảy sinh ý định nhận xe và giấy tờ gốc rồi mang đi bán, nên đối tượng đã chủ động tìm người cần mua xe cũ. Khi gặp khách mua, Dũng rao bán 6 ô tô cũ với giá rẻ và dẫn khách xem 2 ô tô 16 chỗ nêu trên. Xe rẻ, đầy đủ các loại giấy tờ nên khách mua tin tưởng chuyển 560 triệu đồng cho Dũng. Sau khi nhận tiền, Dũng viện cớ đi lấy thêm 4 xe ô tô để giao, nhưng kỳ thực là đối tượng bỏ trốn, để mặc chủ xe và khách mua “nếm trái đắng".
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, các luật liên quan, pháp luật hiện hành thì không có quy định người đưa phương tiện xe cơ giới đi đăng kiểm phải chính chủ như ghi trên giấy đăng ký xe. Như vậy, người đưa xe đi đăng kiểm có thể là bất cứ ai, khi kiểm định chỉ cần xuất trình các giấy tờ như đăng ký xe, giấy chứng nhận đăng kiểm (bản chính) đúng với biển kiểm soát là được tiếp nhận đăng kiểm mà không phạm luật.
Do đây là dịch vụ tự phát, không có sự quản lý của cơ quan chức năng, không có hợp đồng dịch vụ hay bất cứ văn bản thỏa thuận có giá trị pháp lý nào. Nếu xảy ra sự cố, việc giải quyết sẽ rất phức tạp, rủi ro đương nhiên về phía chủ xe. Đáng ngại hơn, khi giao xe cho người lạ thì các tình huống như bị lừa đảo bán mất xe; hay trong quá trình di chuyển xe đi đăng kiểm xảy ra tai nạn giao thông, bị camera giao thông ghi hình phạt nguội; thậm chí là đánh tráo phụ tùng của xe... đều là tình huống có thể xảy ra. Điều này buộc chủ xe cần phải tính toán, cân nhắc trước khi sử dụng dịch vụ nhờ đăng kiểm hộ nếu như không muốn vừa mất tiền, thiệt hại tài sản mà lại dính vòng lao lý.
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến chiều ngày 10/4, cả nước có
235 trung tâm đăng kiểm hoạt động. Trong đó, Hà Nội có 20/31 trung tâm với 27
dây chuyền hoạt động. TP Hồ Chí Minh có 14/19 trung tâm với 30 dây chuyền
hoạt động. Hà Nội hiện còn 10 trung tâm bị dừng do hoạt động điều tra, 1 trung
tâm do không đủ điều kiện; TP Hồ Chí Minh đang còn 5 trung tâm dừng do hoạt
động điều tra.