1. Trang chủ /
  2. Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt nam 2022 - Mục tiêu hàng đầu là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế

Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt nam 2022 - Mục tiêu hàng đầu là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế

thứ hai, 19/9/2022 05:45 GMT+07
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh mục tiêu trên khi chủ trì Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức hôm qua (18/9).
GS.TS Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Diễn đàn. GS.TS Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Cùng dự phiên khai mạc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luậnTrung ương Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn…

Ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng.

Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều thách thức.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo.Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm Đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố “bất biến” để ứng với “vạn biến” của tình hình kinh tế quốc tế.

Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, việc giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, có nhiều tác động tiêu cực. Theo đó, việc tiếp tục cải cách thể chế, tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật về quản lý đất đai và thị trường bất động sản, đặc biệt trong công tác đấu giá đất và phát triển thị trường quyền sử dụng đất để khai thác có hiệu quả nhất một trong những nguồn lực quan trọng của nền kinh tế.

Cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt tốt các cơ hội mà hội nhập đang mang lại cho Việt Nam, khôi phục và mở rộng hoạt động sau đại dịch. Triển khai có hiệu quả gói phục hồi kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt nhất, như chi cho đầu tư hạ tầng đã hoàn thành cơ bản các thủ tục, nhất là các dự án có tính liên vùng, các chương trình trợ cấp, hỗ trợ người lao động. Khơi thông các “điểm nghẽn”, tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành kinh tế và các doanh nghiệp phát triển.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật

Tại Phiên hội thảo chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, các đại biểu đã có nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai trong thời gian tới.

Tại Phiên hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồisản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, các đại biểu cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp như: kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo sự ổn định về vĩ mô, đặc biệt là thị trường tài chính, đảm bảo những cân đối lớn trong nền kinh tế; nhanh chóng khắc phục các bất cập trong các quy định của luật pháp và hoàn thiện khung khổ pháp lý, tiếp tục cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ; tăng tốc và đẩy mạnh quá trình số hóa và điện tử hóa hoạt động quản lý nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân…

Kết luận tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Diễn đàn lần này ghi nhận nhiều ý kiến nhưng đánh giá tình hình thế giới và Việt Nam là thống nhất có sự đồng thuận cao.Theo đó, hậu quả nặng nề cả về kinh tế - xã hội của đại dịch COVID-19 cơ bản kiểm soát và mở cửa trở lại trên đà phục hồi, nhưng cũng phát sinh những tình huống mới, có nguy cơ dịch chồng dịch; sự xung đột quân sự giữa Nga – Ukraina làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến cho giá lương thực, giá năng lượng tăng cao, gây nên lạm phát toàn cầu; biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan trên toàn thế giới; công cuộc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trên thế giới đang diễn ra khẩn trương, một mặt tạo ra nhiều cơ hội, một mặt tạo ra khó khăn thử thách không dễ dàng…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, một trong những kết quả đạt được tại Diễn đàn là các ý kiến đều thống nhất rằng: ngoài tập trung các mục tiêu trước mắt nhưng không quên mục tiêu dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm như định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều thách thức nhưng các ý kiến đều đạtsự đồng thuận, thống nhất. Theo đó, về giải pháp dài hạn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, trong đó có thể chế, chính sách về đất đai. Cùng với đó là vấn đề quy hoạch và liên kết phát triển vùng và khu vực, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… là những vấn đề được quan tâm đặt ra tại Diễn đàn.