Dính bẫy lừa đảo khi mua bán "non" sổ bảo hiểm xã hội trên mạng
Hiện nay, trên mạng xã hội đang xuất hiện nhiều hội nhóm, trang thông tin được lập ra với mục đích mua, bán sổ bảo hiểm xã hội. Mặc dù những hoạt động này được thực hiện trên các giao dịch cá nhân, không được đảm bảo, tuy nhiên nhiều lao động vẫn tham gia mua, bán.
Bên cạnh những giao dịch mua bán sổ bảo hiểm xã hội “non”, nhiều đối tượng lừa đảo với những chiêu thức tinh vi như nhận chốt sổ với giá rẻ, nhanh chóng, tiện lợi khiến người lao động dính bẫy cũng đang tái diễn thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội.
Chị Lê Thị Diễm My làm công nhân tại một khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương hơn 1 năm. Sau 1 năm đóng bảo hiểm tại công ty, do lượng công việc bị cắt giảm, đơn hàng làm việc ít, chị My quyết định nghỉ việc vào tháng 3 năm nay.
Tìm hiểu trên mạng xã hội, chị My đăng bài bán sổ bảo hiểm xã hội trước hạn trên một nhóm có tên “Thanh lý sổ bảo hiểm xã hội Bình Dương”. Sau khi đăng bài, một tài khoản có tên Anh Duy liên lạc với chị My và giới thiệu đang làm việc tại công ty Phúc Lợi HFG (TP Hồ Chí Minh).
“Người này cho biết khi thanh lý sẽ được từ 70% - 75% giá trị thực nhận, họ đưa ra một địa chỉ xa và cho biết nếu như để nhân viên bên đó qua hỗ trợ tận nơi sẽ mất 500.000 đồng tiền phí, bằng cách này họ yêu cầu bên mình gửi phí trước thì nhân viên mới qua”, chị My cho biết.
Để khiến chị My tin tưởng, tài khoản này cung cấp một địa chỉ cụ thể tại TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên khi được chị My yêu cầu thanh lý trong ngày, tài khoản “Anh Duy” tiếp tục yêu cầu trả thêm phí trước, chị My tiếp tục chuyển 350.000 đồng phí làm đơn thanh lý theo yêu cầu.
Nghi ngờ hành động trên, chị My đã gọi lại để xác minh thì ngay lập tức bị chặn liên hệ facebook và số điện thoại liên lạc. Nhiều bài đăng cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo mua, bán sổ bảo hiểm xã hội.
Tương tự, chị Hoàng Thị Lương (Thái Nguyên) cũng đã mất 1.000.000 đồng cho một đối tượng lừa đảo khi giao dịch bán sổ bảo hiểm xã hội trước hạn trên mạng xã hội. Chị Lương cho hay bản thân là một nhân viên sản xuất tại công ty TNHH Sam Sung với tổng thời gian tham gia 5 năm, trong khi thời gian tham gia tính tới hiện tại mới được 4 năm.
Chị Lương cho biết: “Cần tiền gấp nên tôi đăng bài lên hội nhóm hỗ trợ bảo hiểm xã hội và thất nghiệp, sau đó một tài khoản có tên Hoàng Thảo đã liên hệ với tôi và hướng dẫn tôi kết bạn qua số điện thoại zalo. Sau khi hỏi các thông tin về sổ bảo hiểm xã hội, người này yêu cầu tôi đóng 1 triệu đồng làm hồ sơ thông qua hình thức chuyển khoản”, chị Lương nhớ lại.
Tuy nhiên, ngay sau khi chị Lương chuyển tiền để làm phí hồ sơ, tài khoản liên lạc với chị Lương đã chặn liên lạc và biến mất. Biết dính vào bẫy lừa đảo, chị Lương chỉ biết ngậm ngùi vì đã chuyển tiền cho đối tượng.
Thời gian vừa qua, trước tình trạng một số đối tượng thu mua, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội của người lao động để trục lợi bất chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã liên tục cảnh báo người lao động nên nêu cao cảnh giác, tránh việc tiếp tay cho các hành vi nói trên, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý.