1. Trang chủ /
  2. Doanh nghiệp cần chủ động trước yêu cầu xanh hóa của EU

Doanh nghiệp cần chủ động trước yêu cầu xanh hóa của EU

thứ năm, 21/9/2023 22:37 GMT+07
Với các yêu cầu phát triển bền vững từ những thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị sớm, có lộ trình và quan trọng nhất là thay đổi nhận thức.
Một loại sợi mà Vinatex phối hợp nghiên cứu, phục vụ cho quá trình xanh hóa dệt may. (Ảnh: Vinatex) Một loại sợi mà Vinatex phối hợp nghiên cứu, phục vụ cho quá trình xanh hóa dệt may. (Ảnh: Vinatex)

Cơ hội đến từ những thách thức

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) đánh giá, với các yêu cầu phát triển bền vững từ các thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là thị trường Liên minh Châu Âu (EU), chắc chắn số lượng, phạm vi các doanh nghiệp (DN) và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng khá lớn. Chưa kể, những yêu cầu này sẽ thay đổi theo từng năm xanh dần, bền vững dần theo lộ trình. Điều này đồng nghĩa với việc có thể hàng hóa đáp ứng đủ yêu cầu của năm trước mà không đáp ứng đủ yêu cầu của năm tiếp theo.

Tuy nhiên, bà Trang nhận định, những yêu cầu trên cũng có những cơ hội cho Việt Nam. Bởi điều thuận lợi là EU áp dụng các yêu cầu này theo lộ trình. Đây chính là cơ sở để DN Việt Nam có sự chuẩn bị. Dẫn một khảo sát của VCCI, bà Trang cho rằng, DN của Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, gần 70% DN Việt Nam đã biết về chương trình từ nông trại đến bàn ăn của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm. Hoặc gần 80% DN có liên quan biết đến luật chống phá rừng của EU. Chiến lược dệt may thì có ít hơn một chút, khoảng gần 60%...

Chưa kể, chuyển đổi xanh của EU được thể hiện bằng những yêu cầu rất cụ thể. Trên thực tế, theo bà Trang, “đã có nhiều ngành của chúng ta đã, đang thực hiện và nhiều quy định của EU liên quan đến xanh bền vững cũng đã được triển khai”. Ví dụ như các yêu cầu liên quan đến việc giảm sử dụng phân bón hóa học là những chất mà có thể gây hại cho đất cũng nằm trong chương trình xanh. Yêu cầu này chính là việc EU thay đổi và giảm lượng tồn dư thuốc kháng sinh cho phép trong hàng hóa.

Ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng khẳng định: “Những yêu cầu của EU đặt ra nhiều thách thức nhưng nó cũng đặt ra những cơ hội, nếu chúng ta bắt kịp được thì chúng ta sẽ nâng cao giá trị hơn, tạo ra những lao động có chất lượng để đáp ứng được yêu cầu mới về phát triển bền vững”.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm, có lộ trình

Bà Nguyễn Hồng Loan - Chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới cacbon (CBAM) khuyến nghị các DN không nên chờ đợi đến khi EU có chính sách thì mới bắt đầu phản ứng một cách gấp rút. Thay vì thế, DN nên chủ động xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường, quản trị và xã hội để có thể chuẩn bị sẵn và khi có yêu cầu chuyển đổi thì chỉ cần trao đổi với phía EU để họ công nhận những tiêu chuẩn mà DN đã thực hiện hoặc chỉ cần điều chỉnh thực hành là đã có thể đáp ứng được.

Ông Vương Đức Anh cho biết, dệt may là một mặt hàng được đánh giá là tác động đến môi trường lớn thứ ba ở EU. Do đó, ngay từ đầu Vinatex đã xác định đây là một vấn đề phải bám rất sát. “Ngay sau khi EU thông qua một chiến lược gọi là phát triển tuần hoàn và bền vững của ngành dệt may thì chúng tôi cũng đã lập tức có các cuộc hội thảo để phổ biến trong toàn hệ thống” - ông Đức Anh nói.

Ngoài ra, Vinatex là nhà sản xuất theo yêu cầu của khách hàng nên cũng nhận thấy tất cả những nhà mua hàng lớn trên thế giới hiện nay đều có một chiến lược phát triển bền vững của riêng mình và đã công bố rộng rãi. Ví dụ, Adidas và Nike đều đặt ra mục tiêu đến 2025 hoặc đến 2030 sử dụng 50% nguyên liệu tái chế được.

Từ những yêu cầu này, Vinatex sản xuất hàng hoá theo yêu cầu của nhà mua hàng và có những thay đổi về mặt nguyên liệu. “Ví dụ, với nguyên liệu sợi, Vinatex sử dụng 20% theo hướng sợi tái chế và tuần hoàn. Chúng tôi phải mua bông organic. Chúng tôi phải mua những nguồn nguyên liệu mang tính chất tự nhiên và có thể tái chế được” - ông Đức Anh chia sẻ.

Các chuyên gia đều cho rằng, phát triển bền vững sẽ là một câu chuyện chiến lược đường dài, không DN nào có thể làm trong “một sớm một chiều” để có thể thay đổi và đáp ứng được yêu cầu mới. Bà Nguyễn Hồng Loan khẳng định “Những DN không có sự chuẩn bị trước, không có lộ trình thì sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu của EU”.

Do đó, theo bà Loan, việc đầu tiên cần quan tâm đến là nhận thức. “Khi chúng ta nhận thức được rằng đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để có thể bắt kịp với những xu thế của tương lai; Là cơ hội để tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững DN của mình thì chúng ta sẽ chuyển đổi. Và chúng ta chuyển đổi từ nhận thức đến xây dựng năng lực.

Bắt đầu từ rà soát lại toàn bộ quy trình quản trị, các thực hành rồi mới đến chuyển đổi công nghệ. Bước chuyển đổi công nghệ là bước cuối cùng và cần nhiều chi phí. Nhưng tôi tin rằng Chính phủ, các nhà tài trợ, các đơn vị tài chính cũng sẽ sẵn sàng chung tay để chúng ta có thể thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh”, bà Loan nói.