Doanh nghiệp 'khát' lao động chất lượng cao
Đỏ mắt tìm nhân sự chất lượng cao
Đề cập về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân giãi bày, mỗi lần ra sân bay, trông thấy những thanh niên trẻ đi xuất khẩu lao động, tôi lại thấy buồn, bởi lẽ ra nguồn nhân lực này phải làm việc trong nước, bởi nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật tìm kiếm lao động chất lượng và có tay nghề.
“Nhu cầu thị trường tuyển dụng rất lớn, nguồn nhân lực được đào tạo tại các trường không hề nhỏ, vì sao hai khâu này không thể "khớp" với nhau?”, đó có lẽ không chỉ là trăn trở của ông Thân.
Khổ vì sự “lệch pha” không chỉ là câu chuyện đau đầu của nhà quản lý mà còn là nỗi khổ của doanh nghiệp và người lao động hiện nay. Mới đây tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, các doanh nghiệp đưa ra mức lương từ 15-30 triệu đồng, kèm theo đãi ngộ hấp dẫn cho các vị trí quản lý như trưởng, phó phòng kinh doanh, marketing... thế nhưng không dễ tìm được nhân sự đầu quân.
“Chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng nhân sự để phục vụ cho nhiều vị trí đang trống của công ty. Nhóm lao động công ty hướng đến là có trình độ, kinh nghiệm. Để tuyển dụng được nguồn lao động phù hợp, doanh nghiệp đưa ra mức lương từ 10-20 triệu đồng/tháng với những người có kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật. Tuy nhiên, để tìm được nhân sự đáp ứng yêu cầu cũng rất khó khăn” - bà Đào Lan Phương, chuyên viên tuyển dụng nhân sự Công ty TNHH Intop Việt Nam cho biết.
Ở phía đơn vị kết nối nhà tuyển dụng và người lao động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ, công tác tuyển dụng lao động đáp ứng được yêu cầu chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với vị trí quản lý lại càng đòi hỏi về trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức tổng hợp rất cao.
Theo nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến cấp trung và cấp cao Navigos Search, tốp những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong quý II vừa qua gồm tài chính, đầu tư, bán hàng, công nghệ thông tin, phần mềm, ngân hàng, điện tử... Tính chung 6 tháng đầu năm nay, có hơn 65.000 việc làm đăng tuyển trên trang dịch vụ của tập đoàn này kết nối người ứng tuyển. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn thế giới, song ngành này thiếu hụt lao động và khó thu hút NLĐ trở lại làm việc.
Kết quả khảo sát do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy khoảng 60% doanh nghiệp được khảo sát phản ánh thiếu lao động có kỹ năng và đây là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử.
Đâu là giải pháp?
Trên thực tế, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn dân số “vàng” nhưng chất lượng lao động lại chưa phải là “vàng”. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt 26,1%; cơ cấu lao động phần lớn có kỹ năng hạn chế, thu nhập thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.
Theo các chuyên gia, việc thay đổi kỹ năng của lao động phụ thuộc vào công tác đào tạo nhưng sự thay đổi chương trình đào tạo chính quy tại các trường giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với nhu cầu trên trị trường lao động. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại. Nếu các cơ quan chức năng và doanh nghiệp không sớm vào cuộc để giải bài toán nguồn lao động thì sẽ ảnh hưởng đến lực lượng lao động cũng như vấn đề an sinh xã hội.
“Để giải quyết được bài toán nguồn lao động, đối với các doanh nghiệp, cần chú trọng khâu đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp theo sát nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tận dụng tốt lượng lao động đi xuất khẩu lao động từ nước ngoài trở về bởi đây là lực lượng vừa có tay nghề, kinh nghiệm, vừa có kỹ năng tốt, lại có tác phong, thái độ chuyên nghiệp và đặc biệt là ngoại ngữ tốt”, một chuyên gia cho hay.
Gợi mở về chính sách để phát triển thị trường lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, cho rằng, cần triển khai quyết liệt chính sách hỗ trợ cho người lao động đã được ban hành trong thời gian qua. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề, giúp cung cấp lượng lớn lao động có tay nghề kịp thời cho các doanh nghiệp thiếu hụt sau dịch, đặc biệt đối với những lĩnh vực: may mặc, giầy da, điện tử…
“Cần có dự báo phát triển của thị trường, nhất là ở những ngành mũi nhọn, qua đó phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chính sách thu hút đầu tư…từ đó kịp thời hoạch định các chương trình, mục tiêu đặt ra để cung ứng lao động cho thị trường" - ông Khang kiến nghị.
Đề cập đến giải pháp cho thị trường lao động hiện nay, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thừa nhận, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ “hiện đại”, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Thị trường lao động Việt Nam vẫn dư thừa, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều. Phương thức quản trị thị trường lao động còn nhiều yếu kém, rời rạc, thiếu tính kết nối.
Từ thực tế trên để bù đắp những khoảng trống còn yếu kém theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Song hành với đó là sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động.