Doanh nghiệp tăng giá thép để giảm lỗ
Theo thông báo của Hòa Phát, giá thép thanh vằn D10 CB300 sẽ tăng 150 đồng/kg và giá bán hiện tại là 15,99 triệu đồng/tấn. Thép Kyoei loại thanh vằn D10 CB300 cũng có giá 15,99 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý, thép Việt Đức, thép Thái Nguyên tăng 150 đồng/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của sản phẩm này lần lượt là 15,96 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, thép Việt Nhật hiện có mức giá cao nhất, tăng 160 đồng/kg, hiện có giá 16,04 triệu đồng/tấn.
Theo các công ty sản xuất thép, nguyên nhân tăng giá là do nguyên liệu đầu vào khan hiếm khi nhiều nhà máy đã dừng sản xuất phôi ở một số lò từ năm trước. Ngoài ra, các nhà máy phải trả đơn hàng đã ký từ trong năm, làm giá thép tăng cục bộ do nguồn cung ít. Nguyên liệu đầu vào tăng nhiều cũng khiến các nhà máy trong nước nâng giá bán để giảm lỗ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng thép xây dựng đang giảm mạnh. Theo Thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), 2 tháng đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt hơn 3,8 triệu tấn, giảm hơn 23% so với cùng kỳ năm 2022.
Riêng xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10%. Trong khi sản xuất thép thành phẩm đã giảm 16%, chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất vẫn lên đến hơn 430.000 tấn.
VSA cho rằng, Các nhà sản xuất thép toàn cầu phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa trong bối cảnh chi phí gia tăng do giá nguyên liệu và năng lượng sản xuất thép cao hơn, trong khi phải cố gắng tăng giá để cải thiện lợi nhuận.
Đồng thời, người tiêu dùng đang hạn chế mua hàng trong bối cảnh lo ngại về lạm phát và tăng trưởng kinh tế chậm lại. Hầu hết hoạt động sản xuất bị đình trệ khó có thể quay trở lại vào năm 2023, vì vậy cán cân cung - cầu hiện tại sẽ không thay đổi nhiều và có thể tiếp tục kéo dài sang nửa cuối năm.