Doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng áp dụng IFRS?
Doanh nghiệp còn gặp khó
Sau khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC về áp dụng báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), Deloitte đã có cuộc khảo sát về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp tại Việt Nam với 322 phản hồi đến từ các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Trong đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm và có nhu cầu áp dụng IFRS trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc.
Các doanh nghiệp chia sẻ, họ mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị nguồn lực về tài chính và nhân sự, cũng như hệ thống phần mềm, chính sách để chuyển đổi sang IFRS
Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ quan tâm cao nhất, tiếp đến là nhóm các doanh nghiệp niêm yết và nhóm doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn, cũng như các tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Qua khảo sát, các doanh nghiệp chia sẻ, họ mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị nguồn lực về tài chính và nhân sự, cũng như hệ thống phần mềm, chính sách. Chuyển đổi chuẩn mực kế toán hiện hành sang một chuẩn mực khác thường tốn nhiều thời gian, có doanh nghiệp mất từ 3-6 tháng, một số khác mất từ 6-12 tháng và không ít doanh nghiệp mất đến hơn 12 tháng để có thể bắt đầu chuyển đổi việc áp dụng chính sách kế toán mới.
“Trong nhóm doanh nghiệp áp dụng IFRS, có 30% doanh nghiệp trả lời rằng, báo cáo IFRS của họ được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập. Điều đó thể hiện rằng, doanh nghiệp lập báo cáo tài chính theo IFRS không chỉ là tuân thủ Quyết định số 345, mà còn muốn làm đúng và bài bản từ đầu với sự hỗ trợ của dịch vụ kiểm toán. Tuy tỷ lệ này tương đối thấp, nhưng chúng tôi cho rằng sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai, như là một phần của xu hướng hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam”, Công ty Kiểm toán Deloitte cho biết.
Thực tế, việc chuyển đổi từ báo cáo tài chính “kiểu Việt Nam” sang IFRS là không dễ dàng. Nhiều các doanh nghiệp đã bày tỏ về mức độ phức tạp của IFRS và sự khác biệt quá lớn giữa hai bộ chuẩn mực, là những thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi.
Theo đó, do đặc thù kinh tế một số thị trường mới mở chưa thể có thông tin đầy đủ theo yêu cầu của IFRS, ví dụ, khi muốn xác định giá trị hợp lý của một sản phẩm thì phải có thị trường hoạt động của sản phẩm đó, hoặc sản phẩm tương tự để thực hiện so sánh. Ngoài ra, tại Việt Nam, hệ thống đánh giá xếp hạng tín nhiệm nói chung vẫn còn khá mới mẻ, các quy định về áp dụng xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là thị trường trái phiếu mới dừng ở mức khuyến khích. Đối với thị trường vốn, vì quy mô doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, thị trường trái phiếu chuyển đổi chưa phát triển, dẫn đến các công cụ vốn và công cụ nợ nếu muốn đo lường và xác định giá trị một cách hợp lý thì còn gặp nhiều khó khăn.
Kết quả nghiên cứu của TS. Phạm Quốc Thuần, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia HCM cho thấy, thực trạng chất lượng báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam hiện nay đều đạt được mức độ khá tốt ở khía cạnh So sánh, Kịp thời, Kiểm chứng và Có thể hiểu được. Tuy nhiên, ở khía cạnh Giá trị dự đoán và Giá trị xác nhận chưa được đánh giá cao. BCTC vẫn chưa cung cấp đầy đủ những cơ hội và rủi ro, để các đối tượng sử dụng ra quyết định và tiên đoán các kết quả tương lai của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, BCTC cũng phản ánh chưa thật xác đáng toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và cũng chưa chú trọng đến việc trình bày tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý. Đặc biệt, thành phần Trình bày trung thực được đánh giá ở mức độ thấp nhất trong các thành phần trên, đây là một kết quả đáng để suy ngẫm. Sở dĩ thành phần này có giá trị thấp là bởi vì khía cạnh Trung lập của chất lượng báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay được đánh giá ở mức thấp.
Kinh nghiệm quốc tế
Hiện nay, IFRS đang được áp dụng toàn bộ hoặc gần như toàn bộ tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Một số kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tại Singapore, kể từ năm 2002, quốc gia này ban hành chuẩn mực báo cáo tài chính của Singapore (SFRS) dựa trên cơ sở IFRS áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch Singapore. Nhìn chung, đảo quốc đã có quá trình xem xét để áp dụng khá dài từ năm 2002 đến 2014, trong giai đoạn này Singapore chưa áp dụng hoàn toàn IFRS ngay mà có những sửa đổi phù hợp và chỉ áp dụng giúp cho những doanh nghiệp niêm yết, sau đó mới áp dụng cho những doanh nghiệp khác.
Tại Việt Nam, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ quan tâm cao nhất đến IFRS, sau đó là nhóm các doanh nghiệp niêm yết và doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn, cũng như các tập đoàn kinh tế Nhà nước
Còn tại Malaysia là một trong những quốc gia đi đầu trong việc lĩnh hội chuẩn mực quốc tế và đã từng đi qua quá trình chuyển đổi từ năm 2006 đến năm 2009. Hội đồng chuẩn mực kế toán Malaysia cùng với viện kế toán Malaysia và IASB đã giải quyết một số vấn đề liên quan đến khuôn khổ và đưa ra các chuẩn mực tương đối tương đồng được đưa vào áp dụng từ năm 2009.
Các doanh nghiệp tại Malaysia ghi nhận kế toán dựa vào bộ ba khuôn khổ khác nhau gồm: Khuôn khổ chuẩn mực báo cáo tài chính cũ được ban hành dựa vào IAS; Khuôn chuẩn mực báo cáo dành cho các tổ chức tư nhân; và Khuôn chuẩn mực báo cáo tài chính Malaysia. Bộ ba này đều được áp dụng ở Malaysia tùy thuộc vào từng loại hình tổ chức. Nhìn chung, sự kiên trì trong cuộc đua hòa nhập với IFRS đã giúp Malaysia thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn.
Tại Nhật Bản, các công ty niêm yết và chuẩn bị niêm yết tại Nhật được quyền lựa chọn áp dụng chuẩn mực IFRS để lập và trình bày BCTC hợp nhất, nhưng việc lập và trình bày BCTC riêng để phục vụ cho mục đích thuế và quản lý của chính phủ thì cần tuân thủ JGAAP. Tuy nhiên, Nhật Bản không cấm các doanh nghiệp áp dụng IFRS cho việc lập và trình bày BCTC riêng phục vụ cho mục đích quản trị riêng của doanh nghiệp, hợp nhất với BCTC của công ty mẹ ở nước ngoài, hoặc vay vốn trên thị trường quốc tế.
Từ năm 2005, JGAAP có 26 nội dung khác biệt lớn với IFRS nhưng sau khi Thỏa thuận Tokyo được ký kết giữa Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) và Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Nhật Bản (ASBJ) về việc đẩy nhanh quá trình hội tụ giữa JGAAP với IFRS, đến năm 2008, JGAAP về cơ bản đã tương thích với IFRS, không còn điểm khác biệt lớn nào. Hiện nay, ASBJ vẫn đang điều chỉnh JGAAP để ngày càng tương đồng với IFRS.
Giải pháp cho Việt Nam
Theo một chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp tại Việt Nam cần thiết lập hệ thống và quy trình lập Báo cáo tài chính theo IFRS cho riêng doanh nghiệp của mình và tiến hành cập nhật thường xuyên, để đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng, tránh vi phạm các yêu cầu của chuẩn mực và quy định của pháp luật. Đồng thời, cần nâng cấp, điều chỉnh hệ thống phần mềm kế toán nhằm đáp ứng yêu cầu hạch toán theo IFRS.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, trình độ, sự hiểu biết và nhận thức của những cán bộ trực tiếp, gián tiếp tham gia vào quá trình lập báo cáo IFRS.
Một khía cạnh không thể bỏ qua đó là sự theo sát thường xuyên, liên tục của Ban lãnh đạo trong quá trình triển khai, nhằm đưa ra các định hướng, nâng cao sự phối hợp của các cán bộ, phòng, ban trong doanh nghiệp, phục vụ cho công tác lập báo cáo IFRS.
Từ những kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp đã chuyển đổi thành công sang IFRS, các doanh nghiệp cần chú ý đến một số điểm cơ bản như:
Thứ nhất, các doanh nghiệp cần lên lộ trình chuyển đổi sang IFRS ngay khi có quyết định chuyển đổi, để có thể đề ra những kế hoạch thay đổi về quy trình kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và nguồn lực tài chính thay vì đợi đến năm lập báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên.
Thứ hai, cần thiết lập một đội dự án chuyển đổi sang IFRS trong đó người lãnh đạo dự án phải là một trong những thành viên của ban lãnh đạo doanh nghiệp, và có sự tham gia của các phòng ban chính trong doanh nghiệp, như kế toán, kinh doanh, pháp chế, công nghệ thông tin,...
Thứ ba, đối với các tập đoàn thì cần thực hiện đánh giá tác động của việc chuyển đổi sang IFRS ở tất cả các đơn vị trong tập đoàn có thể có ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ, để có kế hoạch đào tạo kế toán của các công ty này lập bộ báo cáo tài chính theo IFRS, phục vụ cho mục đích hợp nhất báo cáo của công ty mẹ.
Thứ tư, tổ chức đào tạo một đội ngũ kế toán có kiến thức về IFRS ở cả công ty mẹ và các công ty con trọng yếu trong tập đoàn.
Thứ năm, làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán có nhiều kinh nghiệm về kiểm toán báo cáo tài chính hoàn thiện theo IFRS để có được sự hỗ trợ kịp thời đối với những vấn đề kỹ thuật trọng yếu khi lập báo cáo tài chính theo IFRS.