Dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đang "mắc" vì mặt bằng chưa được giải phóng
Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng chiều dài 65,5km, trong đoạn qua tỉnh Quảng Bình dài khoảng 32,95km (huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thuỷ), đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài khoảng 32,53km (huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ).
Theo Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ tỉnh Quảng Trị (gọi bắt Ban chỉ đạo), đến nay đã hoàn thành công tác bồi thường, chi trả tiền hỗ trợ GPMB được 24,15km/32,53km, đạt 74,2%.
Mặt bằng sạch được bàn giao cho dự án là 18,54km, còn 8,38km chưa bàn giao, trong đó khoảng 6,5km liên quan đến các hộ dân vào khu tái định cư. Để đảm bảo mặt bằng thi công dự án, có khoảng 477 hộ dân và 15 công trình bị ảnh hưởng phải tái định cư cần di dời.
Liên quan đến công tác thu hồi đất, như tại khu vực do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý, hiện nay còn 5,3ha cao su trên tuyến chính vì chưa có quyết định thanh lý, nên chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ngoài ra, về lập hồ sơ thiết kế đầu tư xây dựng các khu tái định cư, theo quy định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt là 350 triệu đồng/hộ (dự kiến 197 hộ). Chi phí dự kiến xây dựng khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 89,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi kiểm kê phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án, tổng số hộ cần bố trí tái định cư là 477 hộ (vượt 290 hộ) và các công trình hạ tầng xã hội bị ảnh hưởng chưa được thống kê trong chi phí giải phóng mặt bằng của dự án.
Hiện nay, chi phí xây dựng các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, qua địa bàn tỉnh Quảng Trị tham khảo theo suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng ban hành dự kiến là 391 tỷ đồng, vượt so với khung chính sách 301,4 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, đại diện Ban chỉ đạo cho biết, trước 2 vướng mắc nêu trên, mới đây UBND tỉnh đã có văn bản gửi Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Bộ GTVT để có phương án chỉ đạo tháo gỡ. "Kế hoạch hết tháng 6 sẽ bàn giao mặt bằng, dù thời gian qua các lực lượng đã tập trung để thực hiện nhưng với tiến độ như hiện nay dự kiến rất khó khăn", vị này nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, đến nay mặt bằng đã được bàn giao khoảng hơn 70%, quá trình thực hiện cũng có việc người dân thắc mắc, các địa phương cũng đã tiến hành họp để giải quyết. Giống như một số dự án tương tự, do mặt bằng được bàn giao không liên tục nên có một số đoạn dù có mặt bằng nhưng chưa thể đưa người và thiết bị vào tiếp cận để triển khai.