Dự án khách sạn ở khu “đất vàng” Đà Lạt: Sai phạm vẫn được chuyển nhượng trăm tỷ đồng
Dự án ngàn tỷ nhiều lùm xùm
Ngày 5/10 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lâm Đồng và Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Vy có trụ sở tại số 422 Nguyễn Thị Thập, Quận 7, TP Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Cty Khải Vy) ký hợp đồng thuê 1455m2 đất thương mại, dịch vụ tại vị trí thửa đất số 264, tờ bản đồ số 22, tại phường 10, TP Đà Lạt.
Theo hợp đồng ký kết, Cty Khải Vy được thuê đất tới ngày 30/3/2059 với đơn giá 165.984 đồng/m2/năm. Mức giá này tính từ 14/7/2021 đến khi giá đất cụ thể được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tiền thuê thuê đất theo quy định pháp luật. Khi có đơn giá chính thức thì ký lại hợp đồng theo đơn giá chính thức. Cty Khải Vy trả tiền thuê đất hàng năm.
Được biết hồi tháng 3/2021, Sở TN&MT Lâm Đồng đã có văn bản trả hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất của Cty Khải Vy do vị trí, diện tích đất công ty đề nghị chuyển mục đích sử dụng chưa có trong kế hoạch sử dụng năm 2021. Sau đó, đầu tháng 7/2021, Sở TN&MT chủ trì cuộc họp cùng Sở Xây dựng, UBND TP Đà Lạt, UBND phường 10 và Cty Khải Vy về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Cty Khải Vy.
Đến ngày 14/7/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 1806/QĐ-UBND cho phép Cty Khải Vy chuyển mục đích sử dụng 1455m2 đất nông nghiệp nói trên sang đất thương mại, dịch vụ để thực hiện dự án Merperle Dalat Hotel. Ngày 24/8/2021, Đại diện Sở TN&MT, Phòng TN&MT Đà Lạt, đại diện UBND phường 10 đã bàn giao thực địa khu đất trên cho Cty Khải Vy.
Được biết Cty Khải Vy được thành lập vào năm 2000, hiện ông Nguyễn Quốc Bảo là Tổng Giám đốc. Cty Khải Vy ban đầu là một doanh nghiệp sản xuất gỗ. Đến giai đoạn năm 2006 - 2007 bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực địa ốc. Tháng 8/2018 Cty Khải Vy mua lại dự án khách sạn 5 sao Sài Gòn Mới ở khu “đất vàng” số 1 Hùng Vương (Đà Lạt) và đổi tên thành Merperle Dalat Hotel.
Sau khi mua lại, Cty Khải Vy tiến hành xây dựng khách sạn 4 - 5 sao với tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Quy mô diện tích đất thực hiện dự án lên đến hơn 11.758m2. Đang trong quá trình xây dựng thì Cty Khải Vy bị xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng do xây dựng không phép.
Theo quan sát của PV, đến nay đã hơn 3 năm kể từ ngày dự án khách sạn 5 sao về tay Cty Khải Vy, dự án trên vẫn còn ngổn ngang vật liệu xây dựng. Đơn vị thi công mới chỉ đang thi công phần móng.
Liên quan đến nhà đầu tư này, hồi tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã thông báo rao bán lần thứ 3 khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Khải Vy.
Theo đó, tính đến thời điểm tháng 6/2021, tổng dư nợ của Cty Khải Vy hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm: dư nợ gốc gần 410 tỷ đồng, lãi gần 630 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo gồm 9 hạng mục, trong đó nổi bật có tòa nhà Crystal Palace tại lô C17-1-2 (thuộc phường Tân Phú, quận 7, TP Hồ Chí Minh).
Sai phạm vẫn được gia hạn 2 lần rồi chuyển nhượng
Trở lại dự án Merperle Dalat Hotel ở “đất vàng” số 1 Hùng Vương (phường 10, TP Đà Lạt), lúc đầu là dự án khách sạn 5 sao Sài Gòn Mới do Cty TNHH Đầu tư xây dựng Thương mại Sài Gòn (cũng có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư.
Dự án có quy mô 12.028,7m2, trong đó diện tích 8.803,69m2 được Cty TNHH Đầu tư xây dựng Thương mại Sài Gòn thuê theo Quyết định số 2018/QĐ-UBND ngày 12/8/2011 của UBND tỉnh, diện tích Cty quản lý là 2.986,57m2.
Năm 2020 Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này như sau:
Thứ nhất, Khu đất được quy hoạch là “đất công cộng” nhưng UBND tỉnh cho thực hiện dự án xây dựng khách sạn 5 sao là không đúng quy định tại khoản 1, Điều 11 Luật Đất đai 2003 quy định rõ “Việc sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”.
Thứ hai, kể từ khi thuê đất năm 2011 đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng nhưng Sở TN&MT không tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất là không đúng quy định của Luật Đất đai 2003.
Thứ ba, theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án thực hiện giai đoạn 2008- 2011, đến tháng 1/2012 vẫn chưa hoàn thành nhưng UBND tỉnh không cho gia hạn và cũng không xử lý thu hồi dự án. Thế nhưng đến tháng 5/2015, dự án lại được gia hạn 24 tháng (lần 1) và tháng 5/2017 được gia hạn 24 tháng (lần 2) đến tháng 5/2019.
Cũng theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), UBND tỉnh báo cáo việc chậm tiến độ có nguyên nhân do vướng mắc giải phóng mặt bằng, điều chỉnh chiều cao tầng theo quy hoạch, nhưng qua thanh tra thấy nguyên nhân chính là Chủ đầu tư không thực hiện dự án như cam kết, không đưa đất vào sử dụng, để kéo dài.
“Như vậy, theo quy định dự án phải bị thu hồi đất, chấm dứt hoạt động nhưng UBND tỉnh tiếp tục cho gia hạn tiến độ đầu tư 2 lần với tổng thời gian 48 tháng và sau đó cho phép Cty chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư 2014”, TTCP kết luận.
Thực tế sau khi được gia hạn lần 2, Cty TNHH Đầu tư xây dựng Thương mại Sài Gòn đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Cty Khải Vy thu về 182,2 tỷ đồng. Trong đó gần 3000m2 đất có nguồn gốc của Cty từ trước và gần 9000m2 đất được UBND tỉnh cho thuê.
Câu hỏi dư luận đặt ra ở đây là liệu Cty Khải Vy có đủ năng lực thực hiện dự án Merperle Dalat Hotel đúng tiến độ cam kết hay không? Lâm Đồng đã làm gì để tránh tình trạng mua bán dự án như đã từng xảy ra?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.