1. Trang chủ /
  2. DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI): Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù

DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI): Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù

thứ năm, 18/8/2022 09:54 GMT+07
(PLM) - Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Dự án này đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của 21/28 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 54/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều ý kiến đóng góp của các công ty luật, doanh nghiệp.

Đưa ra khái niệm chính xác về “người tiêu dùng”

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi NTD, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Để chuẩn bị cho quá trình xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi), trong giai đoạn 2019- 2020, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện các hoạt động tổng kết thi hành pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD; thực hiện các nghiên cứu, đánh giá, rà soát để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi), trình các cấp thẩm quyền cho ý kiến và thông báo tiếp nhận ý kiến góp ý.

Từ tháng 1-5/2022, Bộ Công Thương đã tiếp nhận ý kiến đóng góp của 21/28 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 54/63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhiều ý kiến đóng góp của các công ty luật, doanh nghiệp, Hội Bảo vệ NTD, tổ chức quốc tế và nhiều chuyên gia, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

"Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ Công Thương đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện và thực hiện các thủ tục thẩm định tại Bộ Tư pháp theo đúng thời hạn đã đề ra" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD (sửa đổi) hiện có 7 chương, 80 điều. So với Luật 2010, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm một chương mới về bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; Đã sửa đổi khái niệm NTD theo hướng làm rõ NTD chỉ là cá nhân mua, bán sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại. Việc sửa đổi nêu trên nhằm tạo căn cứ xác định chính xác NTD trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi đối với nhóm NTD có yếu tố riêng, gặp nhiều bất lợi hơn NTD thông thường, Dự thảo Luật bổ sung quy định về khái niệm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương. Nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi NTD, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của NTD trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.

Thêm nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi NTD trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, Dự thảo Luật bổ sung một chương quy định về các giao dịch đặc thù. Trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của NTD trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD do Nhà nước giao. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền của NTD yêu cầu hỗ trợ thương lượng; hoàn thiện quy định về phương thức hòa giải, trọng tài, về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự.

"Dự thảo Luật quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công Thương, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực được phân công quản lý và tại địa phương. Đồng thời cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi NTD" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Góp ý về Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy lưu ý về số vụ việc vi phạm quyền lợi NTD tăng nhanh nhưng công tác giải quyết tranh chấp chưa thật sự hiệu quả; Về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới và sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo vệ quyền lợi NTD. Ông Lê Quang Huy đề nghị Bộ Công Thương rà soát, bổ sung đầy đủ nội dung các chính sách này, nhất là chính sách về hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật.

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 230 ra ngày 18/8/2022)