Dự án “trang trại, kinh tế hộ” xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội: Dấu hiệu “núp bóng” mục đích “chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng”
Công trình xây dựng trái phép trên đất trang trại
Cuối năm 2018, UBND huyện Gia Lâm có Quyết định phê duyệt phương án “chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ tại khu chăn nuôi, thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn” (Phương án) trên tổng diện tích gần 22.000 m2 vốn là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công do UBND xã quản lý.
Phương án đề ra mục tiêu: Đầu tư cải tạo mặt bằng khu vực để trồng cây ăn quả và trồng hoa theo hướng công nghệ cao, kết hợp nôi trồng thủy sản nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách xã, tăng cường công tác quản lý đất đai.
Thời gian thực hiện Phương án là 5 năm. Sau thời gian trên, nếu Nhà nước chưa thu hồi thì UBND xã thành lập Hội đồng đánh giá việc thực hiện phương án, thống nhất giá thuê thầu, trình UBND huyện phê duyệt làm cơ sở gia hạn ký hợp đồng…
Đầu năm 2019, khu đất được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê thực hiện Phương án chuyển đổi cơ cấu cây. Người trúng đấu giá là ông Đào Mạnh Cường (thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn).
Tuy đã trúng đấu giá sử dụng đất từ năm 2019 nhưng theo ghi nhận của phóng viên, trên khu đất hầu như không có hạng mục nào theo đúng mô hình “trang trại, kinh tế hộ” đã từng được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt (không có nhà kho mái lá; ao nuôi thủy sản; nhà lưới trồng hoa, vườn cây ăn quả… như mô hình được duyệt). Thay vào đó, nhiều hạng mục công trình không có trong Phương án đã lần lượt xuất hiện như: nhà xưởng kiên cố; bãi để xe ô tô, rửa xe ô tô; bãi để cây cảnh, bãi đặt container làm nơi lưu trú cho công nhân…
Trước thực trạng trên, vào tháng 9 và tháng 10/2019, UBND xã Đa Tốn đã có Quyết định xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư (ông Cường) và Quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (phá dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng của đất trước khi vi phạm).
Cạnh khu đất do ông Cường trúng đấu giá thuê làm trang trại nêu trên còn có một khu đất khác cũng được tổ chức đấu giá để thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, do ông Nguyễn Văn Đán trúng đấu giá. Tuy nhiên, dự án này cũng dường như “án binh bất động” nhiều năm nay.
Trong khi đó, phương án do UBND huyện Gia Lâm phê duyệt vào tháng 11/2018 đã nêu rõ: Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được UBND huyện phê duyệt, chủ đầu tư phải tổ chức triển khai thực hiện theo đúng nội dung phương án đã được phê duyệt, sử dụng đất đúng mục đích; Vị trí và các hạng mục công trình phải đúng theo nội dung phương án đã được phê duyệt…
Chủ trương “tăng hiệu quả sử dụng đất” bị “đổ bể”?
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn cho biết: Khu đất thực hiện Phương án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng nêu trên đã được thành phố quy hoạch là đất cây xanh, nên nếu xây dựng sai là xã sẽ xử lý, tháo dỡ công trình ngay. Quyết định phê duyệt Phương án cho xây cái gì thì chủ đầu tư chỉ được xây cái đó. Dự án tại khu lò gạch (do ông Nguyễn Văn Đán trúng đấu giá- PV), xã cũng đang cho anh em giám sát chặt vì chủ đầu tư có nhà ở ngay đấy.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của dự án, ông Kiên cho biết: "Theo Phương án thì khu đất để phát triển kinh tế trang trại. Nhưng ở Đa Tốn như hiện nay thì trang trại cái gì, chăn nuôi thì đang “chết dẫm”, cây ăn quả cũng không hiệu quả. Nhưng theo quy định thì dù dự án có nằm im, không làm gì thì chủ đầu tư vẫn phải nộp “tiền sản” (tức tiền thuê đất- PV) đầy đủ. Số tiền đầu tư và tiền thuê đất cũng tương đối lớn nhưng lại không có nguồn thu thì rõ rằng phải tính toán lại”.
Về trách nhiệm theo dõi, kiểm tra chủ đầu tư, ông Kiên cho biết, theo quy định, UBND xã phải theo dõi, đánh giá việc thực hiện Phương án hàng năm để xem hiệu quả ra sao, có đúng quy định hay không. Hợp đồng đối với ông Cường có thời hạn 5 năm, đến nay đã được 4 năm rồi nên cuối năm nay chúng tôi sẽ đánh giá để đề xuất huyện có tiếp tục gia hạn hợp đồng thuê đất hay không. Công trình xây dựng sai thì chúng tôi đã đình chỉ, cưỡng chế rồi. Nhưng nếu vẫn để đất không là “lãng phí đất”, sử dụng không hiệu quả”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng việc thì việc địa phương báo cáo về việc chủ đầu tư thực hiện Phương án sẽ không cần phải chờ đến cuối năm bởi Quyết định phê duyệt Phương án của UBND huyện Gia Lâm đã nêu rõ, UBND xã Đa Tốn chịu trách nhiệm về việc quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện những nội dung của Phương án; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phương án…Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện theo nội dung của Phương án hoặc thực hiện sai cơ bản nội dung Phương án, UBND xã chủ trì, phối hợp với các phòng ban liên quan lập hồ sơ đề nghị UBND huyện thu hồi Quyết định phê duyệt phương án
Ngoài ra, Phòng Kinh tế huyện cũng được UBND huyện Gia Lâm giao nhiệm vụ khá cụ thể là: “Tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Kinh tế, Phòng TN&MT, Phòng Tư pháp, Đội quản lý Tật tự xây dựng đô thị và UBND xã Đa Tốn tổ chức kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất việc thực hiện phương án; Trường hợp phát hiện sai phạm, lập hồ sơ yêu cầu khắc phục vi phạm…”; Phòng TN&MT huyện được giao nhiệm vụ “tham mưu, UBND huyện kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất theo quyết định được phê duyệt…”
Với trách nhiệm như trên, các cơ quan chuyên môn của UBND huyện Gia Lâm cần sớm vào cuộc để kiểm tra việc chủ đầu tư thực hiện 2 Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên để có phương án xử lý đúng quy định, đảm bảo mục đích của Phương án.