1. Trang chủ /
  2. “Du lịch hoa” - hướng đi mới nhiều tiềm năng

“Du lịch hoa” - hướng đi mới nhiều tiềm năng

thứ bảy, 12/3/2022 07:09 GMT+07
(PLM) - Mảnh đất hình chữ S chứa đựng biết bao loài hoa quý, mỗi loài hoa lại bung nở vào mỗi mùa riêng biệt khiến du khách đắm say. Bởi vậy những lễ hội hoa đặc sắc ở các địa phương sẽ là tiềm năng không nhỏ trong phát triển ngành công nghiệp không khói.

Lung linh miền hoa Ban.

Lung linh miền hoa ban

Hàng năm, cứ vào dịp tháng hai âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa xuân, mọi người khắp nơi trên cả nước đón chào mùa du lịch về miền hoa ban - Điện Biên. Lễ hội hoa ban (hay còn gọi là Lễ hội Sên bản, Sên mường) ở Điện Biên mang ý nghĩa cầu mưa, cầu phúc cho bản, mường của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội hoa Ban mở ra cũng là thời kỳ lúa chiêm đang độ gặp mưa xuân, xanh mơn mởn trên các cánh đồng lúa nước.

Người dân tộc Thái cho rằng, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn. Từ sáng tinh mơ, tiếng trống, tiếng chiêng âm vang khắp núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà, thái măng; có nhà mổ lợn bày cỗ. Rượu cần từng vò lớn, vò nhỏ được bê ra chuẩn bị đãi khách. Những chàng trai, cô gái áo quần, khăn váy chọn những cành hoa đẹp nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ.

Năm nay, Lễ hội hoa ban diễn ra từ ngày 11 đến 14/3/2022 tại TP Điện Biên Phủ. Lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với vẻ đẹp của hoa ban, loài hoa đặc trưng của Điện Biên - Tây Bắc. Đây cũng là dịp để thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với Điện Biên, khẳng định Điện Biên là điểm đến hấp dẫn trong vòng cung du lịch Tây Bắc.

Dù bị hủy nhiều chương trình hấp dẫn như cuộc thi “Người đẹp hoa ban” và một số hoạt động phần hội, song Lễ hội hoa ban năm nay sẽ vẫn có điểm nhấn là Lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề "Lung linh miền hoa ban" gồm 3 chương: "Lung linh miền hoa ban", "Vũ khúc miền Tây Bắc" và "Điện Biên xin chào". Chương trình sẽ có 12 cảnh diễn, thể hiện nét đẹp từ huyền thoại, lịch sử đến hiện tại, tương lai của miền đất hoa ban - Điện Biên, giới thiệu về một Điện Biên năng động đang phát triển, bứt phá, giàu lòng mến khách, mời gọi du khách...

Cuộc thi ảnh “Check-in Điện Biên” sẽ giới thiệu trên nhiều nền tảng khác nhau và bước đầu nhận được các bài dự thi của nhiều tác giả. Đối với hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa du lịch, đến nay đã có 34 đơn vị, với 53 gian hàng đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu tại lễ hội.

Điểm nhấn thành phố hoa phượng đỏ

Háo hức với lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng.

Ngược về miền Duyên hải Bắc Bộ, TP Hải Phòng được biết đến với biểu tượng hoa phượng đỏ – loài hoa gắn bó với sự hình thành, phát triển của thành phố cảng. Vào mùa hè, hoa phượng đỏ lại rợp trời Hải Phòng. Tuyến đường Phạm Văn Đồng dài 20km với hơn 4.000 cây hoa phượng hai bên đường đã được xác lập kỷ lục “Con đường trồng nhiều cây hoa phượng nhất Việt Nam”. Mỗi năm dịp hè đến, mặc dù thời tiết nắng nóng, song người dân đất Cảng và các tỉnh, thành phố lân cận vẫn tìm về con đường hoa phượng để ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời.

Năm nay, Lễ hội hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2022 với chủ đề: “Hải Phòng - Điểm đến thành công” sẽ diễn ra từ 11/5 đến 13/5/2022. Hàng loạt các hoạt động kỷ niệm gắn với giao lưu văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, hoạt động du lịch sẽ được tổ chức như: mùa du lịch Đồ Sơn với lễ hội đua thuyền rồng trên biển, trưng bày và diễu hành xe cổ, Đại nhạc Hội âm nhạc điện tử EDM, chương trình nghệ thuật “Sắc màu của biển”, du lịch Cát Bà, du lịch tại những địa danh lịch sử…

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam nhấn mạnh: “Chính phủ đã quyết định ngày 15/3 tới sẽ mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Do đó, Thường trực Thành ủy Hải Phòng có chủ trương tổ chức chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 5, điểm nhấn là chương trình chào mừng 67 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội hoa phượng đỏ - Hải Phòng năm 2022. Việc tổ chức lễ hội thường niên này cũng tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc”.

Ông Lê Khắc Nam yêu cầu các sở, ngành cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, xây dựng kịch bản lễ hội phù hợp với điều kiện thực tế của tình hình dịch bệnh. Hoạt động văn hóa, văn nghệ phải đặc sắc, ấn tượng, tạo cơ hội xúc tiến, quảng bá và kích cầu du lịch.

Ngoài Lễ hội hoa ban, Lễ hội hoa phượng đỏ thì Lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang hay Festival hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) là những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Đây được cho là cơ sở để những tỉnh, thành khác có thể phát triển những loài hoa đặc trưng, tổ chức những lễ hội hoa phục vụ phát triển du lịch.

Lâm Đồng chuẩn bị tổ chức tuần lễ vàng quảng bá du lịch

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản về việc tổ chức tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2022. Tuần lễ mang chủ đề “Đà Lạt - Thiên đường nghỉ dưỡng”, diễn ra từ ngày 23/4 đến ngày 30/4. Tuần lễ vàng du lịch Lâm Đồng năm 2022 là sự kiện văn hoá - du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu du lịch thu hút khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng, góp phần thực thiện mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch”; đồng thời phục hồi du lịch của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Nhiều hoạt động văn hoá, du lịch, vui chơi, giải trí sẽ được tổ chức trong dịp này để thu hút du khách, như: Không gian quảng bá và giới thiệu “Du lịch Lâm Đồng - Hành trình và Khát vọng” với khoảng 30 gian hàng giới thiệu, quảng bá chương trình, sản phẩm du lịch mới; các chương trình kích cầu của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch – dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó còn có triển lãm giới thiệu ảnh nghệ thuật với các chủ đề về: Danh lam thắng cảnh; di sản văn hóa; ẩm thực; làng nghề truyền thống, lễ hội; cuộc sống đời thường,... nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp về văn hóa, con người và tài nguyên du lịch tỉnh Lâm Đồng đến khách du lịch trong và ngoài nước.