Du lịch Việt bước vào thời kỳ phát triển mới: Cần giải quyết nhiều bất cập
Sôi động nhiều sản phẩm mới
Với tốc độ phát triển hiện tại, ngành Du lịch đang tiến gần mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế và 102 triệu lượt khách nội địa một cách nhanh chóng. Cụ thể, Tổng cục Du lịch thống kê, tính riêng 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hơn 3,7 triệu khách quốc tế và phục vụ được 38 triệu lượt khách nội địa. Riêng trong kỳ nghỉ lễ kéo dài từ ngày 29/4 đến 3/5, các điểm đến trên cả nước ước tính đã đón khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 300.000 khách quốc tế và khoảng 7 triệu lượt khách nội địa, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, đặc biệt với những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95 - 100%.
Trong đó, Thanh Hóa là địa phương có lượng khách cao nhất, khoảng 1,2 triệu lượt, tổng thu đạt khoảng 2.865 tỷ đồng. Địa phương đạt doanh thu cao nhất là TP HCM với tổng thu ước đạt 3.130 tỷ đồng, phục vụ khoảng 950.000 lượt khách, gồm khoảng 48.000 lượt khách quốc tế. Ngoài ra, Thủ đô Hà Nội đón nhận 719.000 lượt khách, bao gồm 69.500 lượt khách quốc tế, với tổng thu đạt 2.400 tỷ đồng. TP Cần Thơ phục vụ khoảng 982.000 lượt khách, tổng thu ước đạt 523 tỷ đồng. Đặc biệt, các điểm đến có lợi thế du lịch biển như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quy Nhơn, Côn Đảo… cũng thu hút nhiều khách du lịch đến nghỉ dưỡng. Sản phẩm du lịch đường biển (tàu biển, du thuyền xuyên Việt, tour đảo) được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng. Các điểm đến khác như Đà Lạt, Sapa, Huế, Pleiku,… cũng ghi nhận tỉ lệ đặt chỗ cao.
Yếu tố đáng chú ý làm nên thành công của ngành du lịch các địa phương trong đợt cao điểm du lịch vừa qua chính là sự ra mắt của nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn. Trong đó không thể không kể đến nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, cộng đồng người dân chủ động làm mới các sản phẩm, liên kết với nhau, khắc phục những hạn chế, nhằm tạo nên những sản phẩm mới lạ có tính cạnh tranh cao hơn để thu hút đông đảo du khách.
Có thể kể tới Chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP HCM; Lễ hội khinh khí cầu quốc tế với chủ đề “Quy Nhơn, Bình Định - Thiên đường biển” (Bình Định); Chương trình sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2023” gồm nhiều hoạt động, bao gồm sự kiện “Hương Rừng U Minh” thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan. Tại Sa Pa - điểm đến mới đây được Tạp chí du lịch quốc tế Condé Nast Traveler bình chọn là 1 trong 50 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới - cũng triển khai Lễ hội hoa hồng và Ngày hội khám phá di sản văn hóa dân tộc Dao năm 2023 cùng với lần đầu tiên ra mắt “Không gian trưng bày WOW Sa Pa”.
Còn tại Thủ đô Hà Nội đã có chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Khởi động mùa hè” (Quốc Oai, Hà Nội); các chương trình trải nghiệm sinh thái, gắn với di tích lịch sử - tâm linh và văn hóa tại Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội). Đặc biệt, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức triển khai vận chuyển miễn phí cho du khách tham quan Thủ đô bằng xe buýt hai tầng. Theo thống kê, trong 5 ngày nghỉ lễ đã thực hiện 127 chuyến xe với hơn 6.681 lượt khách tham quan trải nghiệm. Việc miễn phí vé trải nghiệm du lịch Thủ đô bằng xe buýt hai tầng nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm hoàn toàn mới, được ngắm nhìn toàn cảnh Thủ đô từ trên cao.
Những sản phẩm du lịch này tạo tiền đề quan trọng cho ngành du lịch các địa phương trên cả nước bước vào mùa cao điểm hè sắp tới.
Giải quyết triệt để bất cập
Trong khi nhiều tỉnh thành có mức tăng trưởng tốt thì lượng khách đến Kiên Giang lại giảm 9,4% về mức 264.938 lượt. Công suất phòng trung bình chỉ đạt 54%. Tổng thu từ khách du lịch cũng giảm 24,3%, còn khoảng 132,5 tỷ đồng. Đảo ngọc Phú Quốc vốn được kỳ vọng sẽ là “điểm nóng” trong dịp nghỉ lễ vừa qua, nhưng trên thực tế đã ghi nhận điều ngược lại. Nhiều du khách cho rằng Phú Quốc đang mất dần sức hút bởi nhiều lý do, bao gồm “giá vé máy bay cao”, “dịch vụ đắt đỏ nhưng chất lượng chưa tương xứng”, “vấn đề vệ sinh môi trường nhức nhối”, “thiếu bản sắc, sản phẩm du lịch không đổi mới”, “tình trạng chặt chém còn diễn biến”… Trong khi đó, với giá tiền tương ứng, du khách có thể trải nghiệm tốt hơn với các tour đi nước ngoài hoặc sang những địa điểm khác trong nước.
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng dịp nghỉ lễ vừa qua cũng cho thấy một số bất cập ngành du lịch cần sớm khắc phục để hoạt động hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh hơn. Đơn cử, so với các nước khác về chặng bay, giá vé máy bay nội địa tại Việt Nam đang tương đối cao so với mức chi trả của người dân. Một trong những nguyên nhân chính đến từ số lượng hãng bay ít, cung không đủ cầu. Giá vé máy bay cao cũng thường gắn với giá dịch vụ bị đẩy cao, vượt quá mức chi trả của du khách. Có những thời điểm trong dịp lễ, giá vé máy bay nội địa ghi nhận tăng tới 8-9 triệu đồng khứ hồi, với mức giá tương ứng nhiều người dân đã chuyển hướng đi sang nước ngoài như Thái Lan.
Ngoài ra còn có những hạn chế khác như chuỗi cung ứng dịch vụ gồm ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, mua sắm... chưa hiệu quả; còn tình trạng “chặt chém”, nâng giá vô lý; vấn nạn bán hàng rong, đặc biệt là hiện tượng lợi dụng trẻ em trục lợi vẫn tiếp diễn tại một số điểm đến; vấn đề môi trường như rác thải, nước thải, xâm hại cảnh quan … Một yếu tố khác là thời tiết diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của một số điểm đến trên cả nước.