Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Phải đảm bảo tiêu chí “nhà ở thỏa đáng”
Cần xây dựng tiêu chí cụ thể về “nhà ở thỏa đáng”
Phản biện xã hội dự thảo về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo đã kế thừa Luật nhà ở hiện hành quy định về 6 loại nhà: nhà ở riêng lẻ; nhà chung cư; nhà ở thương mại; nhà ở công vụ; nhà ở phục vụ tái định cư; nhà ở xã hội.
Theo phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam, cần xây dựng tiêu chí cụ thể về “nhà ở thỏa đáng” khi phát triển các loại hình nhà ở. Ảnh minh họa.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật Nhà ở quy định: “Tiêu chuẩn diện tích nhà ở, bao gồm cả nhà lưu trú công nhân được thiết kế, xây dựng theo quy định của Luật này và phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; đối với căn hộ chung cư thì phải thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín, có diện tích sàn căn hộ không thấp hơn diện tích theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà chung cư. Tại khu vực nông thôn, việc xây dựng nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở nông thôn theo từng vùng, miền; phải bao gồm các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình, cá nhân”.
Thực tế hiện nay, ở nhiều khu vực dân cư, đặc biệt là những khu dân cư có mức sống thấp, nhà ở cho người lao động thuê ở đô thị, tình trạng nhà ở không đạt “yêu cầu thỏa đáng về tính riêng tư, khoảng không, an ninh, ánh sáng, thông thoáng, kết cấu hạ tầng và địa điểm phù hợp với công việc và các cơ sở vật chất với chi phí hợp lý” mà Công ước quốc tế về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và chính sách phát triển nhà ở theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 đã đề cập là rất lớn (về diện tích, công trình sinh hoạt, ngõ đi lại, độ thông thoáng, cảnh quan, kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa…). Trong khi đó, quy định về tiêu chuẩn nhà ở nêu trong dự thảo Luật còn khá chung chung, chưa đưa ra được những tiêu chí xác định cụ thể để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu “nhà ở thỏa đáng” khi phát triển các hình thức nhà ở.
Do vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, quy định ngay trong Luật những căn cứ, tiêu chí cơ bản theo những tiêu chuẩn của công ước đã nêu như: Diện tích, khoảng không, ánh sáng, kết cấu hạ tầng…, làm cơ sở cho Chính phủ quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật về tiêu chuẩn các loại nhà ở, bảo đảm việc phát triển nhà ở phải đáp ứng mục tiêu vì cuộc sống tốt nhất cho người dân.
Cần bổ sung quyền giám sát, phản biện của Mặt trận
Để chính sách pháp luật của Nhà nước về nhà ở được xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhằm bảo đảm quyền của con người, quyền của công dân về nhà ở, ông Phạm Hữu Nghị - Ủy viên Hội đồng Dân chủ và pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam nêu ý kiến: “Tìm hiểu Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tôi nhận thấy các quy định về quyền và nghĩa vụ của MTTQ Việt Nam và nhân dân về giám sát và phản biện xã hội các chính sách pháp luật về nhà ở trong Luật Nhà ở còn ít, mờ nhạt. Do đó, tôi đề nghị bổ sung các quy định về nội dung này trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đồng thuận với ý kiến này, ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam cho rằng: Các đạo luật về nhà ở năm 2009, năm 2014 và dự thảo Luật Nhà ở hiện nay đều không có quy định về quyền giám sát của nhân dân, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
“Trong thực tiễn hoạt động, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã giám sát hoạt động nhà chung cư theo đơn khiếu kiện của nhân dân, qua đó cho thấy quyền dân chủ ở cơ sở của nhân dân, vai trò giám sát của nhân dân, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa được thực hiện trong tổ chức và hoạt động ở chung cư. Từ những vấn đề nêu trên, Luật Nhà ở kỳ này phải quy định cơ chế, chính sách về vai trò giám sát của nhân dân trong xây dựng nhà ở, trong tổ chức và hoạt động ở chung cư và vai trò giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, trên cơ sở của các chính sách pháp luật nêu trên”, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị.
Theo đó, để chính sách, pháp luật về nhà ở được xây dựng và thực hiện có hiệu quả nhằm bảo đảm quyền của con người, quyền của công dân về nhà ở, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của MTTQ Việt Nam và người dân trong phản biện xã hội các chính sách trong dự thảo Luật như: Sở hữu nhà ở; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; phát triển nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà chung cư; phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch về nhà ở…
Cần có quy định chặt chẽ, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của MTTQ Việt Nam các cấp trong điều chỉnh quy hoạch nhà ở, khắc phục tình trạng thời gian vừa qua việc điều chỉnh quy hoạch còn lỏng lẻo, gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống xã hội (như tình trạng tắc đường, ngập lụt ở nhiều tỉnh, thành phố, thiếu sân chơi, trường học, nơi khám chữa bệnh và nhiều tiện ích công cộng khác) gây bức xúc trong nhân dân, có những hệ lụy không thể khắc phục được. Đồng thời quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và của người dân trong giám sát việc tổ chức, thực hiện Luật Nhà ở sau khi được Quốc hội thông qua.