Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển đô thị theo định hướng TOD đem lại hiệu quả gì?
Phải tạo thuận lợi cho hệ thống hỗ trợ vận chuyển giao thông
Theo TS. Mai Thị Mai, Phó Trưởng bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, phát triển đô thị theo hệ thống giao thông công cộng (TOD) là mô hình phát triển đô thị lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị; lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Điều quan trọng khi thiết kế TOD là phải đáp ứng được các yếu tố cơ bản như: thiết kế hệ thống cho người đi bộ phải được ưu tiên nhất, điểm TOD là sự tổng hợp các chức năng công sở, dịch vụ bán hàng, dân cư; ga tàu là đặc điểm nổi bật của trung tâm khu vực, thiết kế phải bảo đảm dễ dàng cho hệ thống hỗ trợ vận chuyển giao thông, giảm thiểu và quản lý hệ thống đỗ xe trong một chu trình 10 phút đi bộ tại khu trung tâm, ga tàu.
Với thời gian và chi phí đi lại giảm, mọi người sẽ có thể dành thời gian và tiền bạc tại các nhà hàng, cửa hàng và bảo tàng trong khu vực địa phương. Đây là cơ hội tốt để các thành phố cải tạo cảnh quan đô thị, tái cấu trúc đô thị dọc theo hành lang của các tuyến giao thông công cộng khối lượng lớn. Các đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang bắt đầu xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, mặc dù đã nhận định TOD trở thành một định hướng trong quy hoạch giao thông đô thị của Hà Nội nhưng tại thời điểm hiện tại, các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, cũng như sự ưu đãi để tạo động lực và thúc đẩy cho việc triển khai TOD bằng các quy định của pháp lý chưa được rõ nét.
Cần mở rộng không gian liên kết
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), hầu hết các yêu cầu để có thể triển khai hoạt động phát triển định hướng giao thông công cộng đã được đề cập trong các nội dung của Điều 40, từ quy định thẩm quyền của chủ thể có thể phê duyệt kế hoạch đầu tư là HĐND TP Hà Nội; đến các quy trình khác nhau để triển khai áp dụng việc xây dựng định hướng giao thông công cộng của TOD như: quy trình huy động nguồn lực để phát triển đường sắt đô thị theo TOD; trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án TOD; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt đô thị và các khu vực TOD...
Bằng cách ghi nhận các nội dung về TOD như trên, có thể thấy dự thảo Luật đã định hướng việc ưu đãi, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô ngay từ khía cạnh chính sách phát triển đô thị, phát triển quản lý hạ tầng, huy động nguồn tài chính ngân sách cho phát triển Thủ đô... Về cơ bản, các nội dung để tạo ra hành lang pháp lý cho việc xây dựng và phát triển TOD của Thủ đô ghi nhận trong dự thảo Luật đã khá đầy đủ và hoàn chỉnh.
Trên thực tế, từ năm 2017, Hà Nội đã lập đồ án Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội và phụ cận theo mô hình TOD. Tuy nhiên, đây là đồ án được đánh giá còn nhiều hạn chế như: quá chú trọng bất động sản mà xem nhẹ vai trò trọng yếu là hiện đại hoá giao thông đô thị; tập trung vào lợi ích thương mại mà bỏ qua nhiệm vụ phát triển không gian công cộng, tăng cường kết nối xã hội; lợi ích tập trung vào nhóm đầu tư nhỏ mà không hướng tới chia sẻ cơ hội chung cho cộng đồng. “Những hạn chế này ẩn chứa nhiều rủi ro đầu tư, bởi lẽ dự án quy mô rất lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong khi thực hiện trong thời gian dài” - bà Mai bày tỏ.
Muốn dự án TOD thành công, theo bà Mai, cần mở rộng không gian liên kết, lấy trung tâm là Ga Hà Nội, tuyến đường sắt xuyên qua trung tâm TP là trục kết nối tích hợp đa mục tiêu, đa lợi ích, đa ngành, tạo thành tuyến vòng tròn dài 15km từ Ga Hà Nội qua Hàng Bài, qua ngầm Trần Hưng Đạo, vượt sông Hồng tới Ga Gia Lâm rồi quay về Ga Hà Nội. Với việc mở rộng kết nối, đường sắt ngoại ô sẽ kết nối hiệu quả với đường sắt đô thị.
“Đối với Việt Nam nói chung và Thủ đô nói riêng, việc vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị không chỉ mang lại những lợi ích và hiệu quả thuyết phục kể trên mà còn giải toả được những “điểm nóng” về giao thông đang gây nhiều bức xúc trong xã hội. Việc Dự thảo Luật ghi nhận một cách tương đối đầy đủ về cơ sở pháp lý cho việc vận hành mô hình TOD cho thấy được tầm nhìn chiến lược và rất tiến bộ trong việc quyết tâm triển khai và áp dụng mô hình TOD ở Thủ đô Hà Nội” - Phó Trưởng bộ môn Luật Hiến pháp chia sẻ.
Nhiều quy định đột phá về phát triển văn hoá, giáo dục
Ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội hoặc khác với pháp luật hiện hành để tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển hoặc khai thác tốt các thế mạnh của Thủ đô, như Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu: “Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế…”. Cùng với các cơ chế, chính sách đặc thù thì dự thảo.
Luật cũng đã đẩy mạnh việc phân quyền cho chính quyền TP từ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các Bộ (hiện có 18 nội dung phân quyền từ thẩm quyền của cơ quan trung ương cho chính quyền TP Hà Nội); phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền của TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã có những quy định mang tính đột phá về phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ nhằm giúp Hà Nội có các cơ chế đột phá để phát triển, như cho phép cơ sở giáo dục công lập Thủ đô được liên kết với cơ sở giáo dục nước ngoài; ưu đãi phát triển khoa học công nghệ và một số ưu đãi vượt trội khác... Đây là giải pháp quan trọng, nổi trội nhằm tạo cơ sở pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội cần thiết để thực hiện mục tiêu thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội như Nghị quyết 15 -NQ/TƯ đã xác định…
Thúy Anh