Dựng chuyện “câu view”: Đừng làm xấu hình ảnh người Việt
Vụ ồn ào mới đây trên mạng xã hội là tình huống một người phụ nữ có thái độ xấu khi gọi món trong quán cà phê. Vị khách nữ vào quán gọi cà phê nâu lắc, nhân viên đem ra cà phê có sữa, khách đã lớn tiếng mắng mỏ nhân viên và kiên quyết không trả tiền vì không uống được ngọt. Đáng nói, món cà phê nâu lắc khi pha chế cũng có sữa đặc có đường, vì thế lý do “không uống được ngọt” và thái độ của khách bị dư luận lên án. Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi xuất hiện clip chủ quán cà phê in hình người phụ nữ dán trước cửa với nội dung miễn tiếp vị khách này.
Sau một thời gian “lao” vào tranh luận về hành xử của cả hai bên, cuối cùng nhiều người nhận ra vị khách trên từng xuất hiện trong một số tình huống khác, cũng “drama” tương tự, như “sinh tố bơ không sữa, không đường”, hay một chủ nhà trọ hành xử hàm hồ...
Hóa ra, người phụ nữ này là một diễn viên hay đóng các vai phụ trong phim truyền hình.
Sau sự việc, nữ diễn viên này chia sẻ đã được các nhãn hàng, các kênh mời về quay theo kịch bản dựng sẵn. Tuy nhiên, những vai diễn với hành xử thiếu văn hóa đó đã khiến chị gặp một số khó khăn trong cuộc sống, bị chê trách từ trên mạng đến ngoài đời.
Mới đây, một clip khác cũng gây tranh cãi trong cộng đồng mạng. Tình huống trong clip là một gia đình nhiều thế hệ đi ăn uống ở một nhà hàng buffet và nhất định “đòi” đóng gói thức ăn về. Nhân viên nhà hàng đã giải thích quy định ăn buffet chỉ được ăn tại bàn, không được phép mang về nhưng gia đình trên vẫn làm theo ý mình, buông những lời lẽ khó nghe đối với nhân viên nhà hàng. Clip này sau đó cũng bị vạch trần là tình huống giả.
Thời gian qua, hàng loạt sự việc “giật gân” lan truyền trên mạng nhưng thực chất chỉ là kịch bản nhằm “câu view”, tăng tương tác cho một kênh trên mạng, hoặc để quảng cáo trá hình cho một thương hiệu nào đó. Nhiều tình huống như con dâu đấu khẩu với mẹ chồng, vợ đánh mắng chồng tàn tệ, chồng uống rượu hành hạ vợ con, khách lấy trộm đồ trong cửa hàng rồi đổ tội cho nhân viên... đã được dàn dựng quá lố, cường điệu sự xấu xí, vô duyên, hung hăng của những nhân vật trong clip.
Điều đáng nói là những người sản xuất và đăng tải clip lại không nói rõ đây chỉ là “kịch”, gây hiểu lầm là tình huống thực, dẫn đến những phản ứng tiêu cực, ồn ào trên mạng. Về lâu dài, những nội dung đó có thể gây ấn tượng xấu về cách con người hành xử với nhau, tưởng như sự ghen ghét, lừa lọc, dối trá, phản bội và bạo lực đang “vây bủa” xung quanh cuộc sống.
Khi những clip trên lan truyền đến các cộng đồng và quốc gia khác sẽ phần nào khiến hình ảnh một bộ phận người Việt trở nên “xấu xí” trong mắt bạn bè quốc tế.
Chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cách làm với tinh thần xây dựng và trách nhiệm với cộng đồng, cuộc sống sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn.