Đề cương Văn hóa Việt Nam soi đường cho sự phát triển đất nước
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023), PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã dịp trò chuyện cùng PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, đâu là giá trị cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943?
Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 được coi là cương lĩnh văn hóa đầu tiên của nhà nước Việt Nam.
Đó là thời điểm 13 năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, dân tộc ta phải chịu ách nô dịch trong một thời gian dài.
Ba nguyên tắc cơ bản trong Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, đó là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, và Khoa học hóa. Cho đến nay, 3 nguyên tắc đó vẫn dẫn đường cho sự phát triển về văn hóa của đất nước.
Nguyên tắc “Dân tộc hóa” với mong muốn về tình yêu nước, sự đoàn kết của tất cả người dân Việt Nam, tạo ra sức mạnh tinh thần cực lớn giúp chúng ta vượt qua mọi kẻ thù. Đó là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, thể hiện nội dung, đôi khi không cần binh đao mà vũ khí của chúng ta chính là tinh thần.
Với nguyên tắc “Khoa học hóa” cũng như vậy. Năm 1946, trong Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã nhấn mạnh rằng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Chúng ta cũng nói rằng, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Điều này cho thấy, để có một đất nước phát triển hơn, điều đầu tiên cần làm, đó chính là nâng cao trình độ học vấn của toàn dân; tạo ra nền tảng văn minh cho văn hóa. Khi trình độ học vấn được nâng cao, vốn hiểu biết được mở rộng, chúng ta sẽ thêm yêu đất nước, con người và văn hóa Việt Nam hơn nữa. Từ đó, công cuộc cải tạo đất nước mới có được những thành công.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Yếu tố văn minh của văn hóa rất quan trọng vì văn minh là trình độ văn hóa. Trong công cuộc làm cách mạng văn hóa, chúng ta sẽ xóa đi được những hủ tục, suy nghĩ quan điểm cổ hủ, lạc hậu – những yếu tố cản trở sự phát triển của đất nước; Phát huy được những giá trị văn hóa tiên tiến của đất nước; Tiếp thu văn hóa tinh hoa của thế giới làm giàu mạnh hơn giá trị truyền thống của dân tộc.
Văn hóa là của số đông, của đại chúng, dành cho mọi người. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” như là một ví dụ cụ thể của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 với việc xây dựng văn hóa từ những tế bào nhỏ như gia đình cho tới cộng đồng, cơ quan đoàn thể rồi đến khối nhà nước, tạo môi trường phát triển văn hóa lành mạnh.
PV: Thưa ông, 80 năm qua, dân tộc ta đã kế thừa, phát huy những giá trị cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 như thế nào?
Trên cơ sở các nguyên tắc, giá trị cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, chúng ta đã vạch ra chủ trương, đường lối văn hóa và rõ ràng. Đến nay, sau 80 năm, chúng ta vẫn thấy sức sống của Đề cương. Điều này được truyền tải qua các văn kiện như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng Khóa 8 về xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ở đó, những giá trị dân tộc của chúng ta được kết hợp, chắt lọc, tiếp thu, tinh hoa văn hóa của thế giới để các yếu tố “dân tộc hóa” kết hợp nguyên tắc “Khoa học hóa” tạo điều kiện cho nền văn hóa của chúng ta có bước đi mới, phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Chúng ta cũng thấy được tinh thần đó trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Khóa 11 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ở đó, có mối quan hệ biện chứng: Xây dựng con người để phát triển văn hóa và xây dựng văn hóa để phát triển con người.
Các nguyên tắc “Dân tộc hóa”, “Khoa học hóa”; “Đại chúng hóa” kết hợp với nhau, để xây dựng con người có nhận thức, có thế giới quan rõ ràng, phát triển bền vững hơn toàn diện. Khi nền văn hóa phát triển bền vững thì tính bền vững ấy sẽ lan tỏa sang lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, xã hội. Và chúng ta nhận thấy, giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn soi sáng, dẫn đường cho dân tộc ta phát triển. Không những thế, Đề cương Văn hóa Việt Nam còn được bồi đắp nội hàm mới, những giá trị mới, để từ đó, văn hóa luôn được kế thừa, phát triển, giúp dân tộc ta xây dựng khát vọng phồn vinh và hạnh phúc của thời đại Hồ Chí Minh.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn trả lời báo chí
PV: Trong bối cảnh hiện đại, văn hóa phát triển như thế nào để phù hợp với công cuộc hội nhập của đất nước?
Chúng ta biết rằng, để văn hóa góp phần vào sự phát triển đất nước thì văn hóa phải phát triển bền vững. Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng.
Hiểu theo nghĩa rộng, văn hóa có cả yếu tố tích cực, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển đất nước. Nhưng bên cạnh đó, văn hóa cũng có yếu tố tiêu cực, hạn chế, ảnh hưởng xấu. Ví dụ, trước kia, tổ chức đám tang, có địa phương có phong tục tổ chức đến 7 ngày. Những điều đó đang dần được thay đổi để việc tổ chức tang lễ, ma chay văn minh hơn. Quá trình phát triển văn hóa của chúng ta là “gạn đục khơi trong”, những gì tốt thì phải phát huy, những gì xấu phải bỏ, chưa phù hợp thì sửa đổi cho phù hợp. Đó là nguyên tắc phát triển văn hóa trong bối cảnh hôm nay.
PV: Ông đánh giá ra sao về vai trò của giới trẻ hiện nay trong việc chung tay, lan tỏa, quảng bá giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam?
PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Giới trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển văn hóa vì chính sự năng động, sáng tạo của họ đã tạo ra những chất liệu mới, sức sống mới cho các hiện tượng văn hóa, để từ đó, văn hóa phù hợp hơn với bối cảnh thời đại. Văn hóa phải luôn tiếp biến trên cơ sở gìn giữ giá trị cũ, từ đó tạo dấu ấn.
Chúng ta thấy, nhiều sản phẩm nghệ thuật ngày hôm nay qua bàn tay, tài trí của giới trẻ đã nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn của người dân thế giới. Ví dụ, bản nhạc Gen Cô Vy cũng đã truyền cảm hứng cho Nhân dân thế giới trong thời đại dịch Covid -19; những sản phẩm của các ca sĩ trẻ như Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc… đang rất được giới trẻ trong nước và thế giới quan tâm. Tôi nghĩ, sự sáng tạo đó cần trở thành xu hướng chứ không phải đơn lẻ. Và để lan tỏa, quảng bá văn hóa Việt Nam, rất cần bàn tay, khối óc của giới trẻ.
Vì thế, hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, chúng ta phải tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để họ chung tay, chung sức nhiều hơn với sự phát triển văn hóa của đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thái Sơn (thực hiện)