Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943: Nền tảng lý luận và động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Báo Pháp luật Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để qua đó có thể thấy rõ hơn thực tiễn trong tám thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
80 năm trước khi những biến động không ngừng của bối cảnh lịch sử và các yêu cầu phát triển mới liên tục xuất hiện, các luận điểm, cũng như quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong từng giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước đã cho thấy giá trị và tầm ảnh hưởng lớn lao của Đề cương về văn hóa Việt Nam với vai trò một cương lĩnh khởi nguồn cho việc xác lập và hoàn thiện tư duy lý luận về phát triển văn hóa, phát triển con người ở Việt Nam.
Văn kiện đầu tiên của Đảng ta về văn hóa
Vào thời gian này 80 năm về trước, Hội nghị thường vụ Trung ương Đảng (diễn ra từ ngày 25 đến 28/2/1943 tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên, nay thuộc Hà Nội) đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (Đề cương), văn kiện đầu tiên của Đảng ta về văn hóa.
Có thể nói, ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đề cương là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), thể hiện tư duy, tầm nhìn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ta trong phát triển văn hóa. Trên cơ sở vận dụng phương pháp luận Mác-xít, Đề cương khẳng định tính tất yếu của mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố cơ bản của văn hóa. Các hoạt động về tư tưởng, học thuật và nghệ thuật thẩm thấu, bổ sung, chi phối lẫn nhau để tạo nên tổng thể nền văn hóa dân tộc thì toàn bộ nền văn hóa đó cũng chính là một “mặt trận”, có mối quan hệ ngang hàng, hữu cơ, mật thiết với mặt trận kinh tế và chính trị.
Xuất phát từ luận điểm có tính chất nền tảng này, đối với yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa, Đề cương tiếp tục khẳng định mặt trận văn hóa sẽ phát huy vai trò then chốt của mình thông qua cuộc cách mạng văn hóa với 03 nguyên tắc vận động căn bản, gồm: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa”.
Cũng từ góc nhìn của chủ nghĩa Mác, Đề cương về văn hóa Việt Nam coi văn hóa như một lĩnh vực không ngừng biến đổi, với sự nối tiếp liên tục từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn hóa hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của con người. Văn hóa bám rễ vào cội nguồn lịch sử và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Thái độ khoa học, tiến bộ này của Đề cương cung cấp cho chúng ta một nền tảng lý luận quan trọng về động năng và tính kế thừa của văn hóa.
Ngoài mối quan hệ khăng khít, hữu cơ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, “nền văn hóa mới” mà Đề cương xác lập còn thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ; và quan trọng là quần chúng nhân dân chính là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa…
Với những tư tưởng, quan điểm ngắn gọn, súc tích trên đây, Đề cương về văn hóa Việt Nam “là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam”. Ba năm sau ngày Đề cương ra đời, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được khai mạc vào ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Kể từ thời điểm này cho tới năm 1975, đường lối văn hóa kháng chiến - kiến quốc dần hình thành và hoàn thiện dựa trên nền tảng căn bản mà Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề ra.
Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cùng với các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, chính trị, từ sự kế thừa các giá trị về lý luận của Đề cương để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển về văn hóa, nhận thức của Đảng về vai trò, vị thế của văn hóa cũng như các mục tiêu phát triển văn hóa cụ thể đã có những chuyển biến rõ rệt trước yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới.
Theo đó, “Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (năm 1991), Đảng ta đã xác định, chúng ta cần xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII (1993) Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (1998), tới Nghị quyết số 33-NQ/TW nhấn mạnh mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Và tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định “...Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Giá trị thực tiễn vô cùng lớn lao
Nhìn lại, tám thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Một là, hệ thống văn bản do Đảng, Nhà nước ban hành đã từng bước tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý nhất quán, hình thành môi trường thể chế có khả năng điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa theo hướng hài hòa, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân.
Hai là, ngay từ khi Đề cương ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau. Từ nền tảng tinh thần của Đề cương trong nhiều thập kỷ đã định hướng của Đảng về xây dựng một số chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, trong đó tập trung trong bốn giá trị cốt lõi là “Trí - Đức - Thể - Mỹ”, bao gồm cả các giá trị truyền thống (yêu nước, nhân ái, đoàn kết....) và giá trị hiện đại (năng lực sáng tạo, tôn trọng pháp luật...) và nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam đã từng bước được thể chế hóa, đưa vào các văn bản pháp luật, quy ước, hương ước làng, xã, quy chế, quy tắc, nội quy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao trên thế giới, với tăng trưởng trung bình HDI ở mức 1,36%/năm trong giai đoạn từ năm 1990 đến nay.
Ba là, vận dụng các nguyên tắc của Đề cương văn hóa Việt Nam, trong suốt những thập niên qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế đã từng bước được xác lập và vận hành trên thực tế góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Thông qua Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam và Chương quốc gia về văn hóa qua các giai đoạn, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm, đạt nhiều kết quả, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư đồng bộ… Nhiều di tích được trùng tu, nâng cấp. Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được ghi danh vào danh mục quốc gia, quốc tế như một cách ghi nhận và bảo tồn các giá trị lịch sử, giáo dục và sự đặc sắc về nghệ thuật, với 3.602 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hoá phi vật thể và 9 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 469 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân cho 131 cá nhân, danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho 1.619 cá nhân, 452 nghệ sĩ nhân dân, 2.623 nghệ sĩ ưu tú, 136 tác phẩm, cụm tác phẩm về văn học nghệ thuật được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 669 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng giải thưởng Nhà nước.
Có thể nói, bằng văn hoá và từ văn hóa, hình ảnh đất nước Việt Nam “an toàn - thân thiện - hiền hòa - mến khách - hội nhập - phát triển” với nền văn hóa đậm đà bản sắc được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến, với nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như Điểm đến văn hoá hàng đầu châu Á (2019, 2020), Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á (2019, 2020), Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (2020)…
Bốn là, việc gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động. Minh chứng điển hình cho nỗ lực hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI chính là việc ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vào năm 2016. Chiến lược đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc kiến tạo môi trường thể chế thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa khai thác và chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ có sức hấp dẫn. Theo thống kê, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP năm 2018.