Để mùa du lịch hè 2023 bội thu: Còn nhiều việc phải làm!
Du khách “chùn chân” với tour du lịch nội địa hè
Dịp cao điểm nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày vừa qua đã chứng kiến tình trạng nhiều tour du lịch nước ngoài tầm trung hút khách hơn cả những tour du lịch nội địa. Nguyên nhân là do giá vé máy bay “cao chót vót”.
Đến sát dịp nghỉ lễ, giá vé máy bay mới có dấu hiệu hạ nhiệt. Một hãng bay cho biết, các chuyến bay tăng thêm theo từng đợt, vé mở bán dịp trước lễ 30/4 - 1/5 khách mua nhiều nhưng cận lễ thì vắng.
Điều này lý giải cho việc có đường bay tuần trước hết vé hoặc chỉ còn vé giá cao nhưng sát nghỉ lễ lại có vé hoặc thêm nhiều vé giá thấp. Về bản chất, không phải giá vé máy bay giảm hay các hãng khuyến mãi mà thêm chuyến bay mới nên có thêm vé với các mức giá cho hành khách lựa chọn.
Thực tế hiện nay, du khách đang có xu hướng chọn tour nước ngoài tầm trung hơn các tour trong nước do giá cả cạnh tranh. Mặc dù các tour nội địa cũng đã được làm mới và đa dạng hơn để nâng cao sức cạnh tranh.
Chị Minh Trang (trú tại quận Đống Đa, TP. Hà Nội) chia sẻ, giá tour đi du lịch Phú Quốc với chi phí khoảng 9 triệu đồng/người còn tour Thái Lan chỉ khoảng 7 triệu đồng. Nên sau khi so sánh mức giá và lộ trình, chị sẽ mua tour Singapore du lịch trong dịp nghỉ hè này.
Đi du lịch mà giá cả phải chăng hơn thì mình sẽ thích đi nước ngoài hơn để khám phá văn hóa ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, cả gia đình cũng sẽ có những trải nghiệm mới mẻ sau khi cũng đã đi khá nhiều địa điểm du lịch trong nước, chị Trang cho biết thêm.
Thống kê dịp nghỉ lễ 30/4 - 15 vừa qua, lượng khách đến Phú Quốc giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Theo anh Long (trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), giờ người dân chọn đi những nơi có thể chủ động dùng phương tiện cá nhân để di chuyển.
Đi Phú Quốc phải phụ thuộc vào máy bay với mức giá bay khứ hồi bằng cả một chuyến du lịch Thái Lan nên chẳng ai mặn mà. Ngoài ra khi nhiều thứ hàng hóa ở Phú Quốc phải nhập từ đất liền sẽ không tránh khỏi tình trạng giá cả có thể cao hơn so với bình thường.
Mới đây hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội suất bún chả (thịt băm viên) giá 35.000 đồng nhưng chỉ có 2 miếng chả tại một nhà hàng ở thành phố biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Một luồng ý kiến cho rằng, chủ nhà hàng có niêm yết giá công khai, khách hàng thấy phù hợp thì sử dụng. Luồng ý kiến khác cho rằng, suất bún chả giá 35.000 đồng mà chỉ có 2 miếng chả là quá “nghèo nàn”. Dù ý kiến có thế nào thì suất bún chả giá 35.000 đồng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh du lịch ở thành phố biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Khi mà đi du lịch nước ngoài còn rẻ hơn trong nước lại không bị chặt chém, đi về ai cũng vui vẻ thì du lịch nội địa khó mà cạnh tranh nổi nếu không thay đổi mạnh mẽ.
Tránh rơi vào thế “thua trên sân nhà”
Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách. Trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.
Chiếm 70% doanh thu của cả năm, mùa cao điểm hè được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch phục hồi toàn diện. Tuy nhiên với kiểu làm thời vụ như hiện nay, ngành du lịch trong nước dự báo sẽ gặp khó khi cạnh tranh với tour nước ngoài nếu không sớm có sự liên kết đồng bộ.
Ước tính của các doanh nghiệp lữ hành, giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí chương trình du lịch. Do vậy nếu liên kết tốt giữa hàng không và du lịch sẽ tạo ra những ưu đãi, tác động đến việc xây dựng sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lữ hành.
Hàng không và du lịch hợp tác chặt chẽ đóng vai trò quan trọng đem tới sự phong phú, đa dạng cho sản phẩm du lịch với giá cả phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Sản phẩm du lịch tốt kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân.
Những gói combo sản phẩm du lịch chất lượng phù hợp với xu hướng thị trường hiện tại, khi khách du lịch có tâm lý tiết kiệm chi tiêu, luôn muốn có được một tour nghỉ dưỡng có giá cả hợp “túi tiền”.
Theo đại diện Vietravel, giá tour nội địa hiện tại cao hơn thời điểm trước dịch năm 2019 do nhiều vấn đề như trượt giá, giá thuê máy bay tăng, nhiều hãng phải trả lại máy bay thuê. Cả du lịch nội địa lẫn du lịch quốc tế đều đối mặt với khó khăn chung nhưng du lịch quốc tế có sự chung tay, đầu tư, phối hợp của nhiều đơn vị.
Các doanh nghiệp du lịch nội địa về cơ bản hoạt động đơn lẻ. Do đó cần có sự điều tiết, phối hợp giữa các bên liên quan để có mức giá phù hợp với thị trường.
Trao đổi với PV, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, hàng không và du lịch là hai lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc giá vé máy bay lên xuống thất thường trong thời gian qua khiến nhiều điểm du lịch gặp khó và rơi vào tình trạng bị động.
Tất cả các bên cần phải ngồi lại với nhau để có một chính sách làm sao cho thỏa đáng nhằm kích cầu du lịch trong nước và nó tạo cho người dân có cơ hội du lịch nội địa với giá cả hợp lý phù hợp với khả năng chi tiêu trong bối cảnh chung của Việt Nam. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng giá vé máy bay “nhảy múa” là điều rất nguy hiểm cho cả ngành hàng không lẫn du lịch. Nếu không có những biện pháp chế tài đủ mạnh, kiểm soát đủ chặt chẽ sẽ làm méo mó thị trường, từ đó ảnh hưởng xấu đến những lĩnh vực liên quan khác.