1. Trang chủ /
  2. Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại hình kinh doanh dịch vụ game online

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại hình kinh doanh dịch vụ game online

thứ hai, 13/3/2023 19:52 GMT+07
Đây là một trong những đề xuất của Bộ Tài chính trong đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại hình kinh doanh dịch vụ Game online. Nguồn ảnh: zafago.com Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại hình kinh doanh dịch vụ Game online. Nguồn ảnh: zafago.com

Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được Quốc hội Khóa XII thông qua ngày 14/11/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009. Trong quá trình thực hiện, để khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn và để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Luật thuế TTĐB đã được sửa đổi, bổ sung bốn lần (Luật số 70/2014/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Luật số 106/2016/QH13, Luật số 03/2022/QH15). Qua quá trình triển khai thực hiện, Luật thuế TTĐB đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và đã đạt được mục tiêu đề ra khi ban hành Luật.

phu-nu-choi-game-ngay-cang-nhieu
Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại hình kinh doanh dịch vụ Game online. Nguồn ảnh: zafago.com

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính sách thuế TTĐB đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện như đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế, chưa bao quát hết được các mặt hàng phải hạn chế tiêu dùng, các mặt hàng cần định hướng sản xuất; một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại biểu thuế chưa thực sự rõ ràng dẫn đến vướng mắc trong thực hiện...

Do đó, Luật thuế TTĐB cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước...; phù hợp với mục tiêu cải cách thuế TTĐB, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ; khắc phục những vướng mắc, hạn chế của chính sách thuế TTĐB hiện hành; đồng thời phù hợp với bối cảnh hội nhập, xu hướng phát triển kinh tế của các nước trên thế giới.

Doanh thu cao nhưng...đóng thuế thấp

Cuối năm 2022, theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, ngành game tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam; 5/10 game studio hàng đầu Châu Á - Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam; 1/25 game tải trên các kho ứng dụng là của Việt Nam.

Game-online-4
Hình ảnh minh họa, nguồn ảnh cellphones.com.vn
Hiện thế giới có khoảng 3 tỷ người chơi game và đến năm 2030 con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 tỷ người. Game là ngành công nghiệp có trị giá gần 200 tỷ USD với mức tăng trưởng hàng năm là hai con số.
Cho đến hết năm 2023, tình hình ngành game vẫn chịu ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô. Chuyên gia dự báo ngành này sẽ khởi sắc trở lại vào năm 2024, với mức doanh thu toàn cầu có thể đạt gần 194 tỉ USD.

Doanh thu game của Việt Nam năm 2018 đạt 365 triệu USD, năm 2021 đạt 665 triệu USD và dự báo khả quan trong năm 2022. Tuy nhiên, số tiền đóng thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu ở Singapore.

Nghịch lý này rất cần được các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải quyết dứt điểm sớm để không tiếp tục thất thoát thuế”, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử chia sẻ tại: "Hội nghị Kết nối Mở rộng thị trường ngành Game Việt Nam: Vươn tầm thế giới", diễn ra ngày 10/12/2022.

Một ưu điểm khác của thị trường trò chơi trực tuyến nằm ở việc không giới hạn địa lý. Các công ty tại Việt Nam có thể sản xuất rồi bán cho toàn thế giới, trở thành triệu phú USD. Đây là thế mạnh ở Việt Nam - một đất nước thị trường nhỏ, nếu chỉ làm game nội địa sẽ không đủ doanh thu, bù đắp chi phí. Hay ở SEA Games 31, Thể thao điện tử (Esports) được công nhận như bộ môn thể thao, thi đấu tranh huy chương. 

Thể thao điện tử tại SEA Games 31, tổ chức tại Việt Nam, có 8 bộ môn với 10 nội dung thi đấu tương ứng với 10 bộ huy chương. Các quốc gia tham dự có thể đăng ký góp mặt tại toàn bộ nội dung thi đấu. Với thành tích 4 HCV và 3 HCB, Việt Nam đứng nhất toàn đoàn.

Tiến tới SEA Games 32 sẽ diễn ra từ ngày 4-16/5/2023 tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia) Thể thao điện tử Việt Nam sẽ góp mặt tại 5 bộ môn với 7 nội dung tại SEA Games 32. 

Qua những con số kể trên, có thể thấy tiềm năng và lợi thế của Việt Nam nếu thu được thuế thì loại kinh doanh game online sẽ đóng góp không nhỏ và ngân sách Nhà nước.

Cần thiết bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB 

Tại báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính nhận định rõ: Trò chơi điện tử trên mạng (game online) là một loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và giữa người chơi với máy chủ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game, các thiết bị di động.


Game-online-1
Nguồn ảnh cellphones.com.vn
50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam. Và cứ 25 game tải trên các kho ứng dụng thì có 1 game là của Việt Nam.

Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB để định hướng tiêu dùng.

Không chỉ vậy, tại Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng quy định rõ về lĩnh vực kinh doanh game online.

Ngoài việc sử dụng phần mềm trò chơi do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật của Việt Nam) thì người chơi còn có thể chơi các trò chơi do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào lãnh thổ Việt Nam và thanh toán tiền thông qua các hình thức như: Thanh toán thông qua cổng thanh toán của google, facebook; Thanh toán bằng thẻ cào điện thoại; Thanh toán trực tiếp qua ngân hàng; Thanh toán bằng thẻ tín dụng; Thanh toán bằng SMS; Thanh toán bằng các cổng thanh toán như ngân lượng;...

Loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã có những đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung: Để góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này, cần nghiên cứu bổ sung loại hình “kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng” vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ này.

Khoản 1, Điều 31 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng quy định rất rõ:
1. Trò chơi điện tử trên mạng được phân loại như sau:
a) Phân loại theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ, bao gồm:- Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G1);
- Trò chơi điện tử chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G2);
- Trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G3);
- Trò chơi điện tử được tải về qua mạng, không có sự tương tác giữa người chơi với nhau và giữa người chơi với hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp (gọi tắt là trò chơi G4).
Dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng là việc cung cấp cho người chơi khả năng truy cập vào mạng và chơi các trò chơi điện tử trên mạng.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử thông qua các việc thiết lập hệ thống thiết bị và sử dụng hợp pháp phần mềm trò chơi. Doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoặc khi có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử tùy thuộc loại hình cung cấp dịch vụ trò chơi (G1, G2, G3 quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP).

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về việc Bộ Tài chính lấy ý kiến về việc sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt trong các bài viết tiếp theo.