Đề xuất giải pháp căn cơ, lâu dài phòng ngừa vi phạm pháp luật
Tại Phiên họp, Ủy ban Tư pháp thẩm tra các báo cáo tư pháp và báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì Phiên họp.
Xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập
Tại báo cáo về công tác PCTN năm 2023, Chính phủ cho biết, từ ngày 8/2/2022 đến ngày 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã xác minh tài sản, thu nhập gần 13.100 người; có hơn 2.660 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…
Các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Có 28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó có 3 người bị khiển trách, 12 người bị cảnh cáo và 13 người bị cách chức.
Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/7/2023), tình hình tội phạm được kiềm chế, không để phát sinh những phức tạp lớn, trật tự an toàn xã hội từng bước có chuyển biến tích cực...
Trình bày ý kiến của Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về công tác PCTN năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Mai Thị Phương Hoa cho biết, năm 2023, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương. Những kết quả này đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ PCTN, tiêu cực không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật
Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
“Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp (như vụ chuyến bay giải cứu, các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC…), đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới”, đại diện Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2023, Nhóm nghiên cứu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đấu thầu, mua sắm tài sản công, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp Phiếu lý lịch tư pháp và các lĩnh vực khác dễ phát sinh tham nhũng để kịp thời hoàn thiện bất cập về mặt chính sách nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng trục lợi.
Tại Phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với ý kiến của Nhóm nghiên cứu. Trước tình trạng gia tăng của tội phạm và dự báo tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới còn nhiều khó khăn, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần tích cực chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm...
Theo Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), để phòng, chống và giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật, tội phạm gia tăng, cần có những chế tài xử phạt và răn đe nghiêm khắc hơn cho từng loại tội phạm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắk Lắk) đề nghị đánh giá về tính hiệu quả của Chương trình huy động người dân tham gia vào bảo vệ an ninh trật tự xã hội, xác định nội dung cần điều chỉnh để công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn dân cư đạt hiệu quả hơn. Cùng với đó, cần tăng cường quy chế phối hợp giữa công an cấp xã với người dân trong phòng, chống, phát hiện tội phạm; thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật...