1. Trang chủ /
  2. Đề xuất điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới

Đề xuất điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới

thứ hai, 11/9/2023 12:54 GMT+07
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố, trong đó đề xuất quy định điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới.

Hà Nội, TP HCM có từ 600 hộ gia đình trở lên mới được thành lập tổ dân phố mới

Theo dự thảo Thông tư, thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn; nơi thực hiện dân chủ trực tiếp, đại diện để phát huy các hình thức hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư, tổ chức Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Dự thảo nêu rõ, trong trường hợp do khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền cấp xã, tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố yêu cầu phải thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì việc thành lập thôn mới, tổ dân phố mới phải đạt các điều kiện sau:

Về quy mô số hộ gia đình: Thôn ở xã thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc phải có từ 200 hộ gia đình trở lên; Thôn ở xã thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng có từ 400 hộ gia đình trở lên; Thôn ở xã thuộc các tỉnh miền Trung có từ 350 hộ gia đình trở lên; Thôn ở xã thuộc các tỉnh miền Nam có từ 450 hộ gia đình trở lên; Thôn ở xã thuộc các tỉnh Tây Nguyên có từ 250 hộ gia đình trở lên; Thôn ở xã biên giới, xã đảo; thôn ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có từ 150 hộ gia đình trở lên.

Đối với tổ dân phố ở phường, thị trấn: Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc phải có từ 300 hộ gia đình trở lên; Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh đồng bằng sông Hồng có từ 450 hộ gia đình trở lên, riêng thành phố Hà Nội có từ 600 hộ gia đình trở lên.

Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh miền Trung có từ 400 hộ gia đình trở lên; Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh miền Nam có từ 500 hộ gia đình trở lên, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có từ 600 hộ gia đình trở lên.

Tổ dân phố ở phường, thị trấn thuộc các tỉnh Tây Nguyên có từ 350 hộ gia đình trở lên; Tổ dân phố ở phường, thị trấn biên giới, phường, thị trấn hải đảo; tổ dân phố ở huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã có từ 150 hộ gia đình trở lên.

Bên cạnh đó, cần có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. UBND cấp tỉnh quy định cụ thể nội dung này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm của từng địa phương.

Tiêu chuẩn Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố

Dự thảo Thông tư cũng quy định về tiêu chuẩn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố.

Theo đó, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố phải là người có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố. Là công dân Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên; có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổ chức thực hiện và vận động Nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Đối với tiêu chuẩn cụ thể của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố, căn cứ vào đặc điểm của từng loại thôn, tổ dân phố, UBND cấp tỉnh quy định tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố cho phù hợp.

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố báo cáo cấp ủy chi bộ cho ý kiến đối với nhân sự dự kiến giới thiệu để ứng cử bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố giới thiệu Phó Trưởng thôn, Phó Tổ trưởng tổ dân phố giúp việc (sau khi có sự thống nhất với Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố).

Quy trình bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện theo Điều 6, Điều 7, Điều 8, Điều 9 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP.