"Đêm di sản Việt Nam" tại Pháp
Tham dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân; Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phụ trách Quan hệ đối ngoại và ưu tiên châu Phi Firmin Edouard Matoko; và đại sứ các nước thành viên UNESCO.
Có 8 di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và 15 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam tự hào là một trong những quốc gia có bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà. Việt Nam cũng đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của nhân loại.
"Đêm di sản Việt Nam" do Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức, là dịp để quảng bá, giới thiệu tinh hoa văn hóa của Việt Nam như: hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và nghệ thuật múa rối nước độc đáo có từ thế kỷ 11, tới hơn 100 Đại sứ và đại diện phái đoàn của các nước thành viên UNESCO.
Phát biểu khai mạc "Đêm di sản Việt Nam", Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho biết, đối với Việt Nam, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực và động lực để phát triển đất nước. Phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam là chìa khóa để thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước thịnh vượng.
Nhân dịp này, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cảm ơn sự hỗ trợ quý báu và hợp tác hiệu quả của UNESCO và tất cả các quốc gia thành viên trong việc gìn giữ và phát huy các di sản, đồng thời khẳng định rằng Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa với UNESCO và các nước thành viên để bảo đảm di sản văn hóa không chỉ là kho báu sống, nguồn sống cho sự đa dạng và sáng tạo văn hóa mà còn là động lực cho sự phát triển bền vững và là nguồn cảm hứng cho tương lai.
Các đại biểu quốc tế được thưởng thức một chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trình diễn với nhiều cung bậc cảm xúc và mang đậm màu sắc văn hóa thuộc các vùng miền của Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật là sự kết hợp hài hòa giữa múa rối cạn và múa rối nước, giữa âm nhạc và vũ đạo truyền thống. Các tiết mục biểu diễn rối nước, rối cạn cùng với hát chầu văn, âm nhạc cổ truyền như tiếng sáo réo rắt, tiếng trống, tiếng đàn rộn ràng đưa các đại sứ và các nhà ngoại giao đến từ nhiều nước về với ký ức của những miền quê ở Việt Nam.
"Đêm di sản Việt Nam" khép lại với những tràng vỗ tay tán thưởng kéo dài, chúc mừng Việt Nam không những gìn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống rất đặc sắc mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn, tình yêu quê hương đất nước.
Bà Claudine de Kerdaniel, Phó Trưởng Phái đoàn quốc đảo Saint Vincent và Grenadines bên cạnh UNESCO, rất vui khi lần đầu được xem những tiết mục đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam: Đêm diễn rất tuyệt vời với nhiều câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam. Chúng tôi đã bị cuốn hút bởi những con rối nước của các bạn. Rối nước của Việt Nam vô cùng độc đáo từ cách thức tạo tác và vận hành trình diễn.
Chúng tôi còn được xem rất nhiều bộ trang phục dân tộc rất đẹp và duyên dáng của Việt Nam. Vai trò của Việt Nam trong UNESCO rất quan trọng. Việt Nam đã làm việc rất tích cực trong việc giữ gìn và phát huy những di sản. Các nước thành viên đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam tại UNESCO trong việc nghiên cứu và tìm kiếm các cách thức để thúc đẩy sự đa dạng văn hoá trên thế giới.
Từ ngày 19/4 đến 7/5, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp phối hợp Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu nghệ thuật múa rối nước tới bà con kiều bào và công chúng ở Pháp trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Trìu, Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi rất vinh dự được mang tới cho bạn bè quốc tế và bà con kiều bào những màn trình diễn múa rối nước và múa rối cạn độc đáo của Việt Nam. Cả đoàn cảm thấy rất hạnh phúc với những tràng pháo tay nhiệt liệt của khán giả trong các buổi biểu diễn.
Chương trình nghệ thuật rối nước là sự kiện mở màn cho các hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trong năm nay. Ông Nghiêm Xuân Đông, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp cho biết, sau thời gian cải tạo, trung tâm sẽ có nhiều hoạt động giới thiệu về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
Sắp tới sẽ có nhiều đoàn nghệ thuật sang Pháp và các nước châu Âu để tăng cường quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới công chúng quốc tế.
Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Việt Nam hiện là thành viên của Ủy ban liên chính phủ về di sản văn hóa phi vật thể, Phó Chủ tịch Ủy ban thúc đẩy các biểu đạt văn hóa và thành viên tích cực của Hội đồng Chấp hành (một cơ quan then chốt của UNESCO). Việt Nam đang vận động vào Ủy ban di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 dự kiến sẽ bầu trong tháng 11 năm nay.
Cộng đồng quốc tế thể hiện sự tin tưởng với những nỗ lực và khả năng đóng góp của Việt Nam vào việc gìn giữ bảo tồn đa dạng văn hóa của thế giới.