"Em và Trịnh": Giao thoa hài hòa giữa cả tiểu sử và âm nhạc
Cảnh gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly ở quán cà phê Tùng
Hiếm có nhạc sĩ nào mà bề dày sự nghiệp gắn liền với đời sống “tình trường” âm nhạc phong phú như Trịnh Công Sơn. Xung quanh ông có rất nhiều bóng hồng và không ít câu chuyện bí ẩn về những cuộc tình. Em và Trịnh khai thác mối quan hệ của ông với 4 nàng thơ là Bích Diễm, Dao Ánh, ca sĩ Khánh Ly và cô gái người Nhật Michiko.
Chuyện phim bắt đầu với cuộc gặp gỡ giữa Michiko và Trịnh Công Sơn trên đất Pháp. Hành trình người đẹp sang Việt Nam tiếp cận với Trịnh Công Sơn để làm luận văn về âm nhạc phản chiến của ông dẫn người xem trở về những năm tháng tuổi trẻ của cố nhạc sĩ. Vốn những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có sức mê hoặc, khi được lồng ghép vào những thước phim nên thơ, lãng mạn càng “gây mê” khán giả.
Dao Ánh là một trong những nàng thơ trong phim
Hiếm phim nào có phần thiết kế mỹ thuật gây ấn tượng mạnh như Em và Trịnh. Từ tạo hình nhân vật với kiểu tóc tai, trang phục, cách trang điểm... đến bối cảnh đều mang nét xưa, khơi gợi sự hoài niệm. Thật bồi hồi khi thấy lại cảnh chợ Bến Thành, giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, nhà hàng nổi 5 sao trên sông Sài Gòn… thời thập niên 1960-1990. Những cảnh quay trên đường phố Huế hay ở thành phố Đà Lạt nếu cắt ra đều trở thành những bức hình đẹp. Những phân cảnh có tính giai thoại lịch sử như ca sĩ Thanh Thúy hát Ướt mi ở phòng trà, ca sĩ Khánh Ly tháo guốc đứng hát ở quán Văn được tái hiện giàu cảm xúc.
Là bộ phim mang tính tiểu sử, âm nhạc, Em và Trịnh cân bằng được cả hai yếu tố này. Cuộc đời lúc trẻ và lúc trung niên của Trịnh Công Sơn được khắc họa tương đối đầy đủ những cột mốc mang tính lịch sử trong đời ông. Như lúc ông rời Huế lên Blao dạy học, gặp Khánh Ly ở Đà Lạt, rồi vô Sài Gòn và cùng với Khánh Ly tạo thành cặp đôi huyền thoại của làng nhạc.
Các ca khúc được phân bố phù hợp, mang tính dẫn dắt người xem "đi qua" những bóng hồng này sang bóng hồng khác trong cuộc đời cố nhạc sĩ. Có hai phân cảnh giàu chất điện ảnh là cảnh Trịnh Công Sơn ôm guitar ngồi trên sân khấu hát Huyền thoại mẹ giữa ánh đèn pin, đèn măng xông và cảnh ông cùng Michiko khiêu vũ trên bậc thang ở Đà Lạt.
Mỗi khung hình trong phim đều đẹp
Với cốt truyện gần như không có cao trào, cách kể đan xen giữa hiện tại và quá khứ là lựa chọn hợp lý, phần nào giúp cho phim trở nên sinh động. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều hình ảnh chiến tranh mang tính tư liệu nhưng cách ráp nối chưa thật mượt mà khiến đôi lúc phim bị lạc tông. Có một điều nữa người xem chưa hài lòng là phần tiếng nói trong phim. Giọng Huế của Trịnh Công Sơn lúc già và trẻ đều lộ sự "giả Huế" khiến cho khán giả yêu mến nhạc sĩ cảm thấy hụt hẫng về mặt cảm xúc, dù Avin Lu (vai Trịnh Công Sơn lúc trẻ) và NSƯT Trần Lực (vai Trịnh Công Sơn lúc già) tương đối tròn vai.