EVN được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thế nào?
Tự điều chỉnh trong phạm vi khung giá của Chính phủ
Theo Điều 3 Quyết định 24/2017/QĐ-Ttg về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khi các thông số đầu sản xuất điện biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng; Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất và EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán điện bình quân trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Mới đây, Bộ Công Thương đã thực hiện công khai việc lấy ý kiến dự thảo quy định về giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Bộ Công Thương dự thảo, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, dự thảo quy định, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá Chính phủ quy định thì cho phép EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Sau khi điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.Dù thế, kể từ Quyết định số 24/2017/QĐ-Ttg có hiệu lực, EVN chưa bao giờ tự quyết việc tăng giá điện mà đều thực hiện báo cáo cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, giá bán lẻ điện bình quân hiện nay đã được duy trì từ năm 2019 dù hàng năm Bộ Công Thương đều công bố giá thành sản xuất điện và giá bán lẻ điện bình quân.
Nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân. Sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương, EVN mới được quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện kể từ ngày 1/10 của năm đó.
Trong trường hợp nếu giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Sau đó các đơn vị này tiến hành rà soát báo cáo và trình Thủ tướng xem xét quyết định nếu tăng từ 10% trở lên.
Điều chỉnh giá để tiết kiệm điện
Mới đây, EVN đã công bố về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo đó, với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, các thông số đầu vào nguyên nhiên liệu sản xuất điện đều đã tăng rất mạnh, trong đó, giá than được đánh giá là tăng cao nhất. Do đó, lãnh đạo EVN đã đề nghị được điều chỉnh giá điện kịp thời. Theo đại diện EVN, năm 2022, đơn vị phải đối mặt với khó khăn, thách thức rất lớn với mức tăng đột biến giá nhiên liệu thế giới.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh của EVN gặp rất nhiều khó khăn vì giá thành khâu phát điện (chiếm tỷ trọng rất lớn 82,45% trong giá thành điện thương phẩm) tăng quá cao do giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào tăng mạnh (giá than nhập tháng 8 trung bình 417,4 USD/tấn, tăng 3,48 lần so với kế hoạch năm). Trong khi đó, năm 2022 là năm thứ ba liên tiếp giá bán điện bình quân chưa được tăng kể từ tháng 3/2019.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, trong bối cảnh giá nguồn cung nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh, nguồn cung điện gặp khó khăn do nhiều nhà máy sản xuất điện chậm tiến độ, mức tiêu thụ điện tăng cao, việc sử dụng điện ở nhiều ngành, lĩnh vực vẫn còn lãng phí thì việc điều chỉnh giá điện không chỉ giúp nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; giảm áp lực lên hệ thống điện, góp phần tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Đồng thời góp phần thu hút đầu tư từ xã hội vào ngành điện.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 270 ra ngày 27/9/2022)