Gần 5.700 tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc; Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang. Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Kết quả 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hoạt động đào tạo nghề góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lớn lao động trên địa bàn. Việc đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm. Công tác chăm sóc sức khoẻ, giáo dục - đào tạo có những chuyển biến tích cực.
Đến ngày 31/5/2023, 19 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đã giải ngân số vốn gần 5.700 tỷ đồng, đạt 21,46%. Mục tiêu đến 31/12/2023, hoàn thành mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt trung bình 99,2%; Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt trung bình 91,7%; Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trung bình 90,1%; Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt trung bình 92,3%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt trung bình 98,6%; Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề đạt trung bình 54,7%; Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trung bình 92,8%; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt trung bình 92%...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai chương trình vẫn còn những khó khăn, hạn chế, trong đó việc phân bổ vốn tại các địa phương chậm, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân năm 2022, nhất là đối với các dự án quy mô lớn. Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình của một số địa phương, đơn vị nhất là một số Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thời gian đầu ban hành còn chung chung, chưa sát với yêu cầu phát triển của địa phương hoặc do nhiệm vụ và giải pháp chưa gắn với thực tiễn nên phải điều chỉnh, bổ sung. Nhiều địa phương chậm thực hiện báo cáo việc giao kế hoạch vốn, tiến độ ban hành kế hoạch, khối lượng nhiệm vụ triển khai và tiến độ giải ngân thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là một chủ trương lớn, một chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
Tuyên Quang có 121 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 46 xã, 570 thôn đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm trên 56,76%. Do vậy, chương trình có ý nghĩa rất quan trọng, tác động sâu rộng đến hầu hết các xã, thôn, bản và số đông người dân trong tỉnh. Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, chú trọng lồng ghép với các chương trình, dự án khác, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, đây là một chương trình mới, quy mô lớn, với nhiều nội dung dự án thành phần, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tác động sâu rộng trong thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu do nhiều nội dung mới; văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ; bộ máy quản lý, triển khai chương trình ở cơ sở chưa có kinh nghiệm, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận đánh giá toàn diện, đầy đủ tình hình triển khai và kết quả thực hiện, những cách làm hay, sáng tạo, kinh nghiệm quý báu của các địa phương; làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, để từ đó đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc nhấn mạnh, trên tinh thần nhìn thẳng vào những vướng mắc, lắng nghe ý kiến của cơ sở, những chia sẻ tại hội nghị lần này giúp gợi mở nhiều vấn đề để rút kinh nghiệm triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc đề nghị, Ban Dân tộc các tỉnh cần nghiên cứu văn bản kĩ để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có chỉ đạo, hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện đúng tiến độ và phát huy hiệu quả chương trình. Các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo tiến độ cụ thể, chi tiết. Ủy ban Dân tộc tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để làm việc với các cơ quan liên quan để có giải pháp hướng dẫn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất.