1. Trang chủ /
  2. Gánh nặng bệnh lao

Gánh nặng bệnh lao

thứ hai, 12/9/2022 16:25 GMT+07
(PLM) - Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 10 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới (Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, 2021).

Hơn 48.000 ca mắc lao trong 6 tháng đầu năm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố, lao là căn bệnh truyền nhiễm hàng đầu trên thế giới, nguy hiểm như HIV/AIDS. Theo Bộ Y tế, hằng năm, Việt Nam vẫn ghi nhận hàng nghìn trường hợp mắc lao mới, thậm chí có nhiều đối tượng mắc lao chưa được phát hiện và đang tiếp tục lây truyền bệnh trong cộng đồng.

Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng mỗi năm lao vẫn gây tử vong cho gần 2 triệu người trên thế giới và nguyên nhân chính là do vi khuẩn lao. Ở Việt Nam, đến nay mỗi ngày vẫn có 46 người chết do lao. Gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam đứng thứ 12 trong 20 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 14 trong số 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 130.000 bệnh nhân mắc lao mới, tuy nhiên mới chỉ phát hiện được khoảng 70%, còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện. Đây là điều đáng lo ngại, bởi những người mắc lao chưa được phát hiện sẽ nguồn lây lan bệnh ra cộng đồng.

Trong năm 2021, với tình hình dịch bệnh Covid-19 gây ra những biến động trong xã hội, sự giãn cách xã hội bắt buộc tại nhiều địa phương trên toàn quốc, số liệu phát hiện ca mắc lao đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, khi mà Covid-19 mới xảy ra tại Việt Nam. Với việc chỉ phát hiện được 78.935 ca lao trong năm 2021, giảm 22,7% so với năm 2020 và chỉ đạt 65,2% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm (121.000 ca) đã đặt ra nhiều khó khăn thách thức cho việc hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2021-2023.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 từng bước được kiểm soát, đất nước ta chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, tỷ lệ phát hiện bệnh lao trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có sự cải thiện đáng kể về số lượng và phục hồi chất lượng. “Mặc dù Covid-19 vẫn còn tác động đến khu vực miền Bắc trong 3 tháng đầu năm, tuy nhiên sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực miền Nam và miền Trung đã đóng góp rất lớn trong số liệu phát hiện trên toàn quốc. Trong 6 tháng đầu năm nay, Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được 48.056 ca bệnh, cho thấy tiềm năng đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 là vô cùng khả thi”, BS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.

Bảo đảm đủ thuốc cho người bệnh

Theo báo cáo của Chương trình Chống lao quốc gia, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây vẫn gặp nhiều khó khăn do các lý do khác nhau. Trong đó, hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

Ngoài ra, tổ chống lao tuyến huyện, thị xã, thành phố trình độ chuyên môn không đồng đều nên công tác phòng, chống lao còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, sự phối hợp giữa bệnh viện đa khoa và các trung tâm y tế chưa tốt, chất lượng xét nghiệm chưa đạt yêu cầu. Một điểm khó khăn nữa là công tác này chưa được xã hội hóa cao; kinh phí cho hoạt động của chương trình phòng chống lao còn hạn chế...

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, hiện nay, Việt Nam xếp thứ 11 trong số 30 nước có tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc cao, một năm có hơn 5.000 bệnh nhân lao kháng thuốc xuất hiện, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Ông Nguyễn Viết Nhung khẳng định, trước đây, Việt Nam chưa có thuốc chữa và chưa có nhiều thông tin về căn bệnh này nhưng hiện nay người bệnh lao kháng thuốc, kể cả bệnh nhân siêu kháng thuốc cũng đã có phác đồ điều trị.

Vẫn theo ông Nhung, ngày 1/7/2022, Chương trình Chống lao quốc gia đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho người bệnh lao. Chương trình phối hợp với Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) triển khai các công tác chuẩn bị, đôn đốc, hướng dẫn địa phương tiếp nhận, quản lý, sử dụng và điều tiết thuốc chống lao thanh toán từ nguồn ngân sách Bảo hiểm y tế.

Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho biết thêm, đến nay, 51/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình Chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Đặc biệt, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB. Kết thúc chiến dịch nhắn tin ủng hộ Quỹ, chương trình đã tiếp nhận được 49.000 tin nhắn, tương đương hơn 980 triệu đồng ủng hộ. Trong thời gian tới, Chương trình tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao từ nguồn Bảo hiểm y tế để bảo đảm có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, đáp ứng các điều kiện về thanh quyết toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội theo quy định.

Để hoạt động phòng, chống lao ở cơ sở phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để họ chủ động phát hiện, phòng chống bệnh cho bản thân và cộng đồng. Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.