Giá đầu vào tăng, người nuôi tôm lao đao
Chi phí nuôi tôm tăng phi mã
Theo ghi nhận của phóng viên, từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn tôm đã được điều chỉnh tăng khá cao, mức tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Những ngày qua giá xăng tăng cao càng khiến giá thức ăn nuôi tôm bị đẩy cao hơn nữa, tăng thêm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Thực tế này đẩy người nuôi tôm vào tình cảnh lao đao khi mà họ phải gồng thêm nhiều khoản chi phí tăng bất ngờ.
Ông Long Văn Nghĩa, chủ một hộ nuôi tôm ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu không giấu nổi lo lắng, cho biết, ảnh hưởng lớn nhất là những hộ đang nạo vét, cải tạo ao nuôi tôm. Trung bình một chiếc xe cuốc đất mỗi ngày tốn khoảng 120 lít dầu. Trong khi giá dầu tăng cao khiến đơn vị thi công buộc phải lên giá. Chính vì vậy, chi phí cải tạo ao phải tăng thêm khoảng 20%.
“Việc giá xăng, dầu tăng cao khiến cho chi phí vận chuyển thức ăn nuôi tôm, vật tư đầu vào cũng tăng theo. Trung bình người nuôi tôm phải chịu chi phí tăng thêm khoảng 7-10%...”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm người nuôi tôm sẽ tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao, vuông, chuẩn bị mọi điều kiện cho vụ nuôi mới. Tuy nhiên, với việc giá xăng tăng cao kéo theo chi phí thuê cơ giới cải tạo tăng khiến cho nhiều hộ nuôi tôm chưa dám tái vụ.
Ông Trần Quang Hiên, ngụ xã Tân Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Hiện nay nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ ở địa phương chưa dám tái vụ. Phần lớn là do chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc tăng cao. Một số hộ nuôi tôm công nghệ cao đành phải cầm cự đang có tôm trong ao. Nhưng tình hình chung của người nuôi tôm là đang rất khó khăn”.
Nghịch lý giá xăng tăng, giá tôm giảm
Điều mà người dân đang cảm thấy lo lắng thời gian qua đó là nghịch lý giá vật tư, thức ăn và cả chi phí cải tạo tăng cao nhưng giá tôm lại đang sụt giảm mạnh.
Hiện tôm sú loại 30 con/kg có giá khoảng 170.000 đồng/kg (tôm sống khoảng 220.000 đồng/kg), loại 20 con/kg có giá khoảng 240.000-250.000 đồng/kg (tôm sống khoảng 300.000 đồng/kg). Còn tôm thẻ loại 30 con/kg có giá khoảng 155.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá khoảng 135.000-140.000 đồng/kg. So với thời điểm trước khi giá xăng tăng 3 lần thì tôm sú giảm từ 30.000-50.000 đồng/kg; tôm thẻ giảm khoảng 10.000-20.000 đồng/kg.
Người nuôi tôm đang bị bủa vây nhiều khó khăn, do chi phí tăng đột xuất, nhiều người làm dịch vụ cải tạo ao tôm trở tay không kịp nên việc cải tạo ao nuôi tôm cũng bị đình trệ. Ông Bùi Quốc Việt ngụ xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hiện tôi có 6 xe cuốc có nguy cơ bị đắp chiếu. Trước đây giá dầu là 20.000 đồng/lít, thì giá cải tạo một ao tôm từ 110-120 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, để làm được 1ha đất tôi phải bỏ ra khoảng 2.500 lít dầu. Trừ hết chi phí thì vẫn còn lãi vài chục triệu đồng. Như vậy mới bù nổi công sức và tiền đầu tư. Thế nhưng hiện nay, giá dầu tăng thêm 4.000 đồng/lít, riêng chi phí cho nguyên liệu đầu vào đã mất 70 triệu đồng/ha, như vậy chẳng thể có lãi nữa”.
Ông Việt cho biết thêm: “Cái khó hiện nay là tôi đã ký hợp đồng trước với các hộ dân nên không thể lên giá được. Hiện tôi còn khoảng 6ha nữa phải thi công. Với tình hình giá cả như hiện nay thì xem như tôi làm không công. Hiện 6 xe cuốc, 2 xe ủi và 2 xe chở đất có chi phí đầu tư gần 7 tỷ đồng. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, tôi đành phải “đắp chiếu” vì không thể kham nổi nữa”.
Nhiều nông dân nuôi tôm lo lắng, sau một vụ nuôi thì lượng chất thải, thức ăn dư thừa, mầm bệnh... đều tích tụ ở dưới đáy ao. Do đó, nếu quá trình cải tạo ao không kịp thời sẽ khiến tôm chậm phát triển và sinh ra một số loại bệnh. Lúc đó thiệt hại rất lớn.
Trước tình hình này, ngành nông nghiệp các tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn như Cà Mau, Bạc Liêu đang yêu cầu các địa phương đẩy mạnh những hình thức liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành vùng sản xuất tập trung, làm đầu mối liên kết, giảm trung gian, hạ giá thành sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành chức năng các tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu không được lợi dụng đẩy giá để trục lợi.
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bán hàng, tạo khan hiếm xăng dầu gây khó cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.