1. Trang chủ /
  2. Giá trị của độc lập

Giá trị của độc lập

thứ năm, 1/9/2022 10:50 GMT+07
(PLM) - Ngày 2/9/1945, cách đây 77 năm tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Đây là bản “Tuyên ngôn Độc lập” lần thứ ba trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là bản “Tuyên ngôn Độc lập” có ý nghĩa nhất, vượt ra khỏi khuôn khổ của một dân tộc, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, chặt chẽ, sắc bén, chứa đựng những nội dung cốt lõi, có cơ sở pháp lý vững chắc để không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Tuyên ngôn Độc lập” cũng khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Trong hành trình gian khó ấy, có Đảng lãnh đạo, với một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ và phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, dân tộc ta đã thủ tiêu toàn bộ chế độ thực dân, phong kiến, “lấy lại tên trên bản đồ thế giới”.

Vì thế, “Tuyên ngôn Độc lập” không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn làm cho nền văn hiến Việt Nam: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng/Sống hiên ngang mà nhân ái, chan hòa” (thơ Huy Cận) được khẳng định và lan tỏa cùng thời đại.

77 năm qua (1945 – 2022), trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam yêu nước chân chính, 6 chữ vàng: độc lập - tự do - hạnh phúc không chỉ là khát vọng luôn cần phải gìn giữ, bảo vệ, bồi đắp, trao truyền mà còn là kết quả đấu tranh kiên cường, bất khuất để được thụ hưởng và biết trả ơn các bậc tiền bối đã hy sinh cho Tổ quốc.

Ngay sau Quốc khánh, ngày 9/10/1945, tại Sắc lệnh Luật số 50-SL, lần đầu tiên 6 chữ “độc lập - tự do - hạnh phúc” đứng trang trọng dưới dòng chữ Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ cộng hòa”. Sở dĩ có 6 chữ đó là “xét vì bắt đầu từ ngày 2/9/1945, nước Việt Nam đã tuyên bố độc lập cho toàn thể quốc dân và thế giới biết. Xét vì ngày 24/8/1945, Vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và giao chính quyền lại cho Chính phủ dân chủ cộng hòa. Xét vì cần nêu cao một kỷ nguyên mới để đánh dấu vào lịch sử nước ta: độc lập, tự do và hạnh phúc”.

Chúng ta hiểu như thế nào về cụm từ này? “tự do” và “hạnh phúc” là kết quả của “độc lập”. Điều đó cho thấy “độc lập” là giá trị căn cốt nhất. Thế nhưng, với nước ta, từ sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, bởi vì “Chỉ có Chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”.

Chúng ta hiểu thế nào về giá trị của “độc lập”? Trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Vì vậy, độc lập phải gắn liền với CNXH.

77 năm qua, “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” được Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì thực hiện, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng; đó cũng là ý chí và khát vọng của toàn dân tộc. Để có độc lập, tự do, cuộc sống thanh bình hôm nay, trong một thế giới đa biến, phức tạp, khó lường biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu, hy sinh, cống hiến xương máu.

Thế giới ngày nay đang có những diễn biến phức tạp, khó lường như xung đột Nga - Ukraine, giá cả và lạm phát ở mức cao, đứt gãy chuỗi cung ứng…, tác động tiêu cực đến các quốc gia. Trong tình hình như vậy, chúng ta càng thấy tầm quan trọng của độc lập. Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu và rộng, điều then chốt nhất để bảo đảm độc lập cho đất nước đấy chính là độc lập tự chủ về kinh tế.

 Bài học của nhiều quốc gia từ xung đột, từ dịch bệnh COVID-19, từ vỡ nợ... cho thấy tầm nhìn thiên tài của Đảng ta. Xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi nhanh và khó lường hiện nay là một trong những nội dung thể hiện hướng tiếp cận mới của Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế - một nội dung trong ba nội dung cốt lõi của hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lời kêu gọi cách đây 66 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng ngày càng cho thấy giá trị của chân lý độc lập!

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 244 -248 ra ngày 1-5/9/2022)