Giá vận tải giảm, nhiều mặt hàng được đà giảm theo
Xăng giảm, doanh nghiệp “lật đật” giảm cước
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu tăng đã khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết lập mặt bằng giá mới. Khoảng 80-90% doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ đã tăng giá 10-15%, cước vận tải hàng hoá tăng 7-10% nhằm bù đắp chi phí xăng dầu.
Sau đó, xăng dầu đã có 4 đợt giảm liên tiếp với mức hạ hơn 6.500 đồng một lít xăng khiến giá cước vận tải đã giảm theo.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù mặt bằng chung về giá cả vẫn còn cao, một số doanh nghiệp chuyển phát nhanh đã có động thái tiếp tục giảm cước chuyển hàng trong tháng 9.
Cụ thể, đại diện Công ty vận chuyển Á Châu (quận 12) cho biết, dự kiến sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục giảm giá cước vận chuyển
Đối với đơn vị chuyển phát nhanh Viettel Post, bảng cước chuyển hàng ở lần cập nhật gần nhất khá cạnh tranh. Trong đó, giá cước gửi hàng tài liệu trong nội tỉnh chỉ 11.000 đồng/đơn hàng dưới 0,5gram, liên miền như TP. HCM - Đà Nẵng, Hà Nội - TP. HCM giá 12.000 đồng/0,5gram.
Với các doanh nghiệp vận tải biển, đại diện Karl Gross Logistics Việt Nam cho biết, cước vận tải biển đã hạ nhiệt, đặc biệt các tuyến đi Mỹ, châu Âu. Cước vận tải từ Việt Nam đi Mỹ từng lên tới 15.000 - 17.000 USD/container 40 feet, nhưng hiện nay chỉ khoảng 11.000 USD.
Riêng thị trường vận tải nội địa giảm thấp hơn, khoảng 15 - 20%. Theo khảo sát, giá cước vận tải niêm yết mới nhất của một số doanh nghiệp vận tải biển, tuyến vận tải Hải Phòng – TP. HCM giá dao động khoảng 9,2 - 10,5 triệu đồng/container 20 feet và 12,4 triệu - 15,7 triệu đồng/container 40 feet (tùy loại). Chiều TP. HCM - Hải Phòng thấp hơn, khoảng 6 - 10 triệu đồng/container 20 feet và 9 - 15,4 triệu đồng/container 40 feet.
Một doanh nghiệp vận tải biển cho hay, thực tế chiều TP. HCM ra Hải Phòng đang giảm 15% so với thời điểm lập đỉnh. Ở chiều ngược lại, giá cước đã giảm khoảng 5%. Tuy nhiên, nguyên nhân giảm ở thị trường vận tải nội địa không hẳn do ảnh hưởng của giá nhiên liệu mà “do nhu cầu nội địa đang ở mức rất thấp”.
Đồng thời, các hãng taxi, xe khách cũng trên đà giảm cước. Trong đó, giá cước taxi đã giảm 6-12%, giá vé xe khách giảm 5-14%.
Cụ thể, đối với hãng Vinasun, cước xe Wigo &110 giảm từ 18.200 đồng/km xuống còn 17.400 đồng/km. Loại xe 8 chỗ Inova G&J mới giá từ 20.200 đồng/km giảm còn 19.200 đồng/km. Như vậy so với mức giá cũ áp dụng vào tháng 6, Vinasun giảm 800 - 1.000/km.
Các mặt hàng giảm nhẹ
Khảo sát tại các chợ Tân Định, Vườn Chuối, Bà Chiểu,… giá nguyên liệu cũng giảm nhẹ so với 1 tháng gần đây. Ngoài ra, các siêu thị Lotte Mart, Emart, MM Mega Market... hiện có một số mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt... đã hạ nhiệt 5 - 10% mức giá.
Đáng chú ý, giá heo hơi giảm 1.000 - 4.000 đồng/kg trong tuần qua, ổn định trong khoảng từ 57.000 đồng/kg đến 63.000 đồng/kg. Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi có thể tiếp tục chững lại do thị trường bình ổn, chưa có biến động mới.
Theo đó, dù giá thịt heo bán lẻ vẫn còn cao hơn nhiều so với 3 - 4 tháng trước nhưng gần đây đã giảm và ít nhiều cũng giảm áp lực cho các bà nội trợ.
“Có thể mức giá bán ra còn cao là do giá nhập vào không giảm nhiều chứ không phải tiểu thương neo giá”, bà Thu Hồng (tiểu thương bán thịt heo) nói.
Ngoài thịt heo, giá một số loại rau củ bán ra tại chợ lẻ ở TP. HCM cũng đã giảm nhiệt. Trừ cà chua, khổ qua... giá neo cao từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; giá cải thảo, xà lách, đậu cove, dưa leo, đậu bắp... đã giảm 5.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước.
Hệ thống Co.opmart, Co.opXtra trên cả nước đồng loạt luân phiên giảm giá 15%-20% đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống. Đồng thời, có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới với nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như gạo, thịt gia súc, gia cầm, một số mặt hàng sữa, gia vị, thực phẩm khô; mức giảm dự kiến 10%-25%. Hệ thống MM Mega Market đang giảm giá nhiều loại thịt heo, bò từ 10.000-14.000 đồng/kg và giảm sâu hơn với một số thực phẩm tươi sống khác như cua, ếch, đùi gà, thịt vịt, tôm thẻ, cá điêu hồng, cá thu...
Trước diễn biến giá nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất thực phẩm đang có xu hướng giảm, Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM dự báo nhiều DN sẽ cân nhắc giảm 5%-10% giá bán trong điều kiện giá xăng tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Trước đó, để kiểm soát giá hàng hóa, Sở Tài chính TP. HCM đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường trên địa bàn và doanh nghiệp thuộc diện phải kê khai giá thực hiện việc kê khai theo quy định; tính toán giảm giá hàng hóa phù hợp với mức giảm giá xăng dầu.
Sở Công Thương TP. HCM cũng triển khai một số giải pháp quản lý giá, giữ ổn định cung cầu hàng hóa đến các quận, huyện và TP. Thủ Đức, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối... Trong đó, Sở Công Thương đề nghị hệ thống phân phối hiện đại hỗ trợ áp dụng chiết khấu ưu đãi, giảm chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng. Một số DN đã thực hiện theo yêu cầu của 2 sở này.