Giải bài toán căn cơ để giáo dục Thủ đô cất cánh!
Ưu đãi thu hút đầu tư cho giáo dục
Mặc dù trong nhiều năm qua, giáo dục Thủ đô dẫn đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi, học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế nhưng giáo dục vẫn còn nhiều điểm hạn chế, bất cập.
Đơn cử như tình trạng giáo viên nghỉ việc, bỏ. Đã có hơn 1.000 giáo viên nghỉ việc trong năm 2022 là thực trạng đáng buồn. Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều cấp học, khó tuyển giáo viên… cùng nhiều vấn đề khác nếu không được giải quyết thấu đáo sẽ níu chân sự phát triển của giáo dục Thủ đô. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề liên quan đến chính sách cần tháo gỡ để Hà Nội trở thành một trung tâm giáo dục tầm cỡ khu vực và thế giới.
Trước thực tế trên, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Theo vị này, để giáo dục Hà Nội phát triển cần có nhiều giải pháp, trong đó cần có những quy định nên đưa vào Luật Thủ đô để từ đó làm căn cứ pháp lý vững chắc.
Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng trong Luật Thủ đô cần nhấn mạnh mục tiêu phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô gắn với việc xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm giáo dục chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế. Muốn làm được điều đó, giáo dục đào tạo phải được ưu tiên phát triển đi trước một bước để đảm bảo “Văn hóa con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô”.
Ngoài ra, cần quy định ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi đầu tư hiện hành trong đầu tư giáo dục như ưu đãi về giao đất, cho thuê đất, giảm tiền sử dụng đất. Áp dụng thuế đất 5% hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ một giá dịch vụ giáo dục phổ cập cho học sinh các cấp trên địa bàn không phân biệt trường công lập và tư thục để đảm bảo công bằng.
Tăng cường dân chủ trong nhà trường
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, để giáo dục Thủ đô phát triển phải nêu cao vai trò “tự chủ - dân chủ - nhân văn - sáng tạo” của các trường học phổ thông. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo quy định: “Phân định công tác quản lý nhà nước và quản trị cơ sở giáo dục đào tạo. Đẩy mạnh phân cấp nâng cao trách nhiệm tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của cơ sở giáo dục đào tạo” nhưng đến nay chưa nơi nào làm được.
Do đó, vị này mong muốn, các trường học Thủ đô được thực hiện đúng tinh thần tự chủ, chủ động, sáng tạo. Chỉ khi thực hiện cơ chế tự chủ cho các trường công lập thì các cơ sở giáo dục công lập mới chủ động liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài để huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục đào tạo.
“Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập là phù hợp với quy luật quản lý quốc tế hiện đại, phù hợp với sự phát triển của cơ sở giáo dục đào tạo của nhiều nước trên thế giới hiện nay. Muốn giáo dục đào tạo Thủ đô hội nhập quốc tế thì trước hết các trường Thủ đô cũng phải được tự chủ” – ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Chuyên gia này phân tích, trao quyền tự chủ cho các trường phổ thông công lập Thủ đô không có nghĩa thả nổi, tháo khoán cho các nhà trường mà các cấp quản lý giáo dục của Thủ đô vẫn là cơ quan chủ quản có trách nhiệm quản lý, đảm bảo các điều kiện để các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đúng quyền tự chủ mà thành phố giao.
Trao quyền tự chủ để các trường phổ thông công lập được điều chỉnh bổ sung một số môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiếp cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Ông Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến: Cần xem xét điều chỉnh cơ chế không rút ngân sách nhà nước để các trường tự chủ mà chỉ nâng dần học phí khi bổ sung chương trình giáo dục chất lượng cao phù hợp với mong muốn của phụ huynh và học sinh. Chúng ta cần tránh việc khoán trắng theo kiểu tự chủ tài chính, để nhà trường tự bơi, thu chi học phí quá cao, thậm chí còn cao hơn trường dân lập.
“Tập trung nâng cao vai trò của các nhà trường phổ thông theo tinh thần mỗi trường học phổ thông đều được “Tự chủ - Dân chủ - Nhân văn – Sáng tạo” sẽ nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông một cách đồng đều tất cả ở các nhà trường, ở các cấp học” - ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, ngoài việc nêu cao vai trò chủ động tích cực, sáng tạo của mỗi trường học, trong chính sách cần quan tâm đến tác động, vai trò của chính quyền địa phương quận, huyện cũng như các ngành liên quan của thành phố trong việc chăm lo sự phát triển giáo dục đào tạo.
Luật Giáo dục 2019 đã phân cấp khá rõ về những nhiệm vụ, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp về phát triển giáo dục đào tạo ở mỗi địa phương, nhưng gần như các địa phương đều trông chờ sự chỉ đạo, tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó để thực hiện yêu cầu nâng cao chất lượng phát triển toàn diện giáo dục trong các trường phổ thông, Hà Nội nên đi đầu cả nước trong việc thực hiện giải pháp.
“Thành phố nên chỉ đạo có tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm các quận, huyện, phường, xã đầu tư, chăm lo, quản lý các cơ sở giáo dục” - chuyên gia Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.
Như vậy qua trao đổi với chuyên gia, có thể thấy giáo dục Thủ đô cần trao quyền hơn nữa cho các nhà trường, cần có nhiều ưu đãi để thu hút nhà đầu tư, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương. Có như vậy, giáo dục mới có nền tảng vững chắc để phát triển, trở thành trung tâm giáo dục mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Cần chính sách riêng cho trường chuyên
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Trường trọng điểm quốc gia THPT Chu Văn An cần được ưu tiên đầu tư thành trường đào tạo nhân tài cho thành phố và cả nước từ THPT và tiến đến mô hình trường đào tạo có tính chất quốc tế của Hà Nội và của Việt Nam. Các trường chuyên theo tinh thần đổi mới thành những nhà trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, các địa phương của thành phố. Trường chuyên không chỉ phục vụ cho việc thi lấy giải quốc gia, quốc tế. Điều này hết sức lãng phí, không thể trở thành các trường ngang tầm khu vực quốc tế.