Giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì sao?
Đây là Nghị quyết tiếp nối 10 nghị quyết (trong đó có 2 nghị quyết chuyên đề), 4 công điện, 7 văn bản chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công; 2 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; và thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ ban hành/chỉ đạo trong 8 tháng đầu năm.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh giải pháp tháo gỡ về thể chế, chính sách, Nghị quyết 124 của Chính phủ cũng đưa ra giải pháp tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Trong đó Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định của pháp luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn ngay các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về quy trình cấp phép mỏ, khai thác mỏ nguyên vật liệu cho dự án đầu tư công bảo đảm nhanh, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán...
Đặc biệt, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố kiên quyết rà soát, điều chỉnh ngay kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ dự án giải ngân chậm, dự án đang vướng về thủ tục sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn theo thẩm quyền được giao và báo cáo HĐND cùng cấp trường hợp vượt thẩm quyền. Rà soát, kiểm tra và xử lý toàn bộ việc cấp giấy phép khai thác mỏ, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia theo các quy định của Chính phủ. Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân. Tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất... hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Đặc biệt, cập nhật, kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Có thể nói, Chính phủ đã “mở hết cỡ” các điều kiện để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; nhưng tiến độ vẫn chậm. Vì sao?
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, nhiều đơn giá xây dựng do Nhà nước ban hành chỉ bằng 1/3 giá thực tế nên nhiều nhà thầu không muốn nhận các gói đầu tư công. "Đây là một nghịch lý, bởi vì không có nhà thầu, công ty xây dựng nào lại chê công ăn việc làm nhưng vì cơ chế, giá, định mức rất khó thực hiện" - ông Hiệp nói và cho rằng, điểm nghẽn lớn là các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện thủ tục đầu tư vẫn rất cồng kềnh nhưng chưa có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, qua tiến hành giám sát, khảo sát đối với một số dự án, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đến nay vẫn còn một số đoạn chưa giải phóng mặt bằng, một số các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa bàn giao cho nhà thầu, khối lượng giải ngân đạt trên 50%, chậm so với tiến độ đề ra.
Theo ông Thanh, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là định mức đơn giá kỹ thuật lạc hậu, giá nguyên vật liệu tăng cao, có những nguyên vật liệt tăng tới 20-25%. Tuy nhiên, ông Thanh cũng nhấn mạnh, trong những vướng mắc cũng có trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, giám sát, trách nhiệm của các nhà thầu, chủ đầu tư trong việc điều tra, khảo sát chưa sát sao.