Giải quyết dứt điểm những tồn tại trong hoạt động đăng kiểm phương tiện
Lượng phương tiện bỏ lịch hẹn đăng kiểm có xu hướng tăng
Hiện nay chủ phương tiện có thể lựa chọn 1 trong 3 phương thức đăng ký để đăng kiểm: Trực tiếp tại trung tâm, đăng ký qua số điện thoại và đăng ký qua ứng dụng.
Thực tế đã phát sinh tình huống, một người có thể đăng ký được ở nhiều trung tâm dẫn đến ùn tắc hay các xưởng sửa chữa xe đăng ký để lấy chỗ rồi bán cho người dân. Ghi nhận thực tế của PV tại nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, tình trạng các xe đã hẹn lịch nhưng bỏ “lốt” tăng mạnh thời gian qua.
Tại Trung tâm đăng kiểm 2908D (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), theo ông Trần Nguyên Sinh - Giám đốc Trung tâm, kể từ khi mở cửa hoạt động trở lại, đơn vị đã thực hiện nhận lịch đăng kiểm xe theo hai hình thức: Qua app (thời gian hẹn từ 15 - 20 ngày) và phát số trực tiếp (hẹn trước 7-10 ngày).
Nhưng số xe bỏ “lốt” đăng kiểm theo lịch hẹn trong thời gian gần đây chiếm đến 5% (khoảng 6 - 7 xe/ngày). Những trường hợp bỏ lịch đăng kiểm có thể do đã đưa xe đi kiểm định tại đơn vị khác hoặc đặt lịch trước nhưng xe vẫn chưa đến hạn kiểm định.
Đại diện Trung tâm đăng kiểm tại huyện Chương Mỹ cho biết, trung bình mỗi ngày đơn kiểm định 120 xe. Trung tâm phát phiếu hẹn trực tiếp vào 7 - 8h sáng và 13 - 14h hàng ngày. Gần đây, liên tiếp có những trường hợp chủ xe hẹn lịch đăng kiểm nhưng không đến kiểm định.
Nhiều chủ xe do lo ngại quá tải không kịp kiểm định xe khi đến hạn nên đã lấy phiếu hẹn ở nhiều nơi bằng cả hình thức phát trực tiếp và qua app đăng kiểm. Trung tâm đăng kiểm nào có lịch hẹn trước thì đến kiểm định đã dẫn đến tình trạng đặt lịch đăng kiểm tràn lan tại nhiều trung tâm.
Ngoài ra có thể do người dân có tâm lý chờ đợi khi biết được thông tin xe chở người đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải có khả năng được tự động giãn chu kỳ đăng kiểm nên không đưa phương tiện đi đăng kiểm theo lịch hẹn.
Thống kê của Cục Đăng kiểm, tổng số lượng phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng lên đến 2,5 triệu xe. Nhưng năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền đang hoạt động chỉ khoảng 550.000 xe/tháng.
Như vậy các trung tâm đăng kiểm cần 6 tháng để giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay, chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại. Tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, lượng phương tiện cao hơn nên thời gian sẽ phải kéo dài thêm.
Trong khi đó tình trạng chủ phương tiện bỏ “lốt”, đăng ký thực hiện đăng kiểm tràn lan tại nhiều trung tâm cũng sẽ góp phần gây ra hàng loạt hệ lụy, gia tăng ùn tắc trong hoạt động kiểm định.
Sớm tháo gỡ khó khăn, bất cập
Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ Công an tiếp tục bổ sung lực lượng hỗ trợ hoạt động đăng kiểm. Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT đánh giá, trong 2 đợt tăng cường vừa qua, lực lượng CSGT đã góp phần làm giảm ùn tắc tại các Trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Nhiệm vụ của đợt tăng cường lần 3 này khác hơn so với 2 lần trước đó, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu lực lượng CSGT chủ động nắm bắt tình hình cùng với ngành đăng kiểm giải quyết ùn tắc tại các trung tâm kiểm định. Đồng thời, giải quyết những tình huống phát sinh trong quá trình đăng kiểm”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết.
Sau 2 đợt tăng cường, CSGT và ngành đăng kiểm đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại trung tâm đăng kiểm. Nhưng lại phát sinh tình trạng ùn tắc trên các ứng dụng đặt chỗ đăng kiểm, đây là vấn đề lực lượng CSGT cùng ngành đăng kiểm sẽ tháo gỡ.
Hiện Chính phủ, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đang tiếp tục đấu tranh tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm nhưng lại xuất hiện tình trạng “cò mồi” xếp hàng ở các quán nước, thậm chí cả bảo vệ của trung tâm cũng đứng ra làm dịch vụ.
Bên cạnh đó, tình trạng các xưởng sửa chữa ô-tô làm dịch vụ bảo dưỡng trước khi kiểm định nhưng thu tiền chênh lệch của người dân để làm dịch vụ đăng kiểm cũng đã xuất hiện.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Chiến Thắng - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đang khẩn trương rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng kiểm.
Qua đó tăng cường công tác quản lý nhà nước trên cơ sở đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp khi đi kiểm định. Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới sẽ sớm được sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Về việc phân cấp phân quyền, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng và trình Bộ Giao thông Vận tải phương án tách bạch chức năng quản lý và tổ chức thực hiện ở tất cả các lĩnh vực đăng kiểm để đảm bảo thực hiện tốt quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm.
Bên cạnh đó nghiên cứu, đề xuất phương án trình Bộ Giao thông Vận tải phân cấp, phân quyền công tác quản lý hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải cho các địa phương.
Liên quan tới nguồn nhân lực, nhằm nâng cao công tác tuyển chọn, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm thì người làm công tác đăng kiểm phải được trang bị kiến thức, kỹ năng và có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu hết sức quan trọng, xuyên suốt trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang gấp rút nghiên cứu phương án ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý gắn với cải cách hành chính; triển khai hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường tính công khai, minh bạch các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động đăng kiểm.
Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trong môi trường mạng và hệ thống thông tin một cửa để tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế mức thấp nhất khả năng phát sinh tham nhũng, tiêu cực; giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...