Giảm lãi suất điều hành ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế?
Trong bối cảnh đó lạm phát trong nước được kiểm soát, đồng thời tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đã nỗ lực tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất huy động, do đó để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân, NHNN quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành.
Hạ lãi suất điều hành tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế nhận định việc giảm lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Và như vậy, dòng vốn tín dụng từ ngân hàng cũng như dòng vốn vay trên thị trường sẽ trở nên rẻ hơn, và các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn vốn tín dụng, vốn vay. Từ đó giúp cho các doanh nghiệp sản xuất tốt hơn và có nguồn lực để thực hiện kế hoạch kinh doanh
Thứ hai, việc giảm lãi suất điều hành cũng làm cho VND lên giá, từ đó tạo ra lợi thế cho hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hay nhập khẩu đều phải đi vay tiền để chuẩn bị hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, hoặc vay tiền chuyển sang USD để đặt cọc thanh toán với nước ngoài. Vì thế, việc này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhìn chung, việc hạ lãi suất điều hành này có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng, bởi vì người mua nhà hay vay tiêu dùng sẽ nhận được mức lãi suất rẻ hơn… Từ đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Ông Thịnh cũng dự báo ngay từ tháng 4 này, mặt bằng lãi suất của nền kinh tế Việt Nam sẽ giảm khoảng 1.5-2%.
Hỗ trợ thanh khoản cho thị trường
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM việc giảm lãi suất điều hành sẽ làm giảm lãi suất huy động cũng như cho vay, và dòng tiền trong nền kinh tế sẽ dồi dào hơn. Điều này cũng hợp lý, vì thời gian qua, VND luôn giảm giá so với USD. Việc này giúp có thêm dư địa để NHNN mua USD vào để tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời cung VND ra để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.
Bởi vì mức lãi suất hiện nay đang quá cao, và tăng trưởng tín dụng trong năm nay thấp kỷ lục so với những năm trước. Và các ngân hàng không giải ngân cho vay được, nên động thái này phù hợp để có thể kích thích phần nào thị trường tăng trưởng trở lại.
Mức lãi suất quá cao như hiện nay khiến cho nền kinh tế gần như đình đốn, các doanh nghiệp không mặn mà trong sản xuất kinh doanh.
“Trong thời gian tới, lãi suất sẽ có xu hướng chung là giảm và kích thích các yếu tố khác tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những rủi ro nếu như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì chính sách tăng lãi suất, thì xu hướng giảm lãi suất của Việt Nam sẽ không quá mạnh vì sẽ tác động đến tỷ giá.
Nếu Fed thấy sau các vụ đổ vỡ vừa qua của các ngân hàng (SVB, Signature Bank), việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ có khả năng gây ra khủng hoảng tài chính, họ có thể cân nhắc lại việc tăng lãi suất nhằm cân đối giữa lạm phát và tăng trưởng.
Do đó, trong quý 2 hoặc quý 3, lãi suất sẽ có thể giảm tiếp thêm 1 điểm phần trăm, bởi vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khó lường từ bên ngoài”, TS. Huân dự báo.