Gian nan giáo viên hợp đồng
Vất vả mưu sinh
Cô Phùng Thị Trà (24 tuổi), giáo viên hợp đồng ở quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Ngoài việc dạy đúng chuyên môn được đào tạo trong trường, hiện nay tôi phải đảm nhiệm thêm môn Giáo dục công dân và môn Công nghệ. Ngoài ra, tôi còn làm truyền thông cho trường trên các trang web”. Cô Nguyễn Ngọc An đang dạy hợp đồng tại một trường cấp III có tiếng tại Hà Nội cũng cho biết, trong năm đầu kí hợp đồng, cô chỉ làm trên văn phòng, không dạy học.
Đến đầu năm nay, cô An mới được phân công một số lớp nhưng công việc cũng bận bịu từ sáng đến chiều muộn. Cô Trần Linh Nga đang dạy hợp đồng tại một trường cấp II ở quận Thanh Xuân - Hà Nội tâm sự: “Ngoài việc dạy môn chính, tôi còn được phân công dạy thêm môn Sử và phụ trách đoàn đội cho các em học sinh”. Khi không đi dạy, cô cũng phải thường xuyên có mặt ở trường, thậm chí cả ngày Thứ Bảy, Chủ nhật nếu có công tác văn nghệ hay ngày kỷ niệm, ngày lễ.
Tuy nhiên, số tiền lương của các thầy cô giáo hợp đồng chỉ được trả theo số tiết dạy, từ 30.000 - 50.000 đồng. Một tháng thu nhập của giáo viên hợp đồng như vậy dao động từ 4 - 7 triệu đồng (nếu các thầy cô làm thêm công tác truyền thông, đoàn đội và dạy thêm các môn khác ngoài chuyên môn). Cô Ngọc An chia sẻ: “Với khối lượng công việc nhiều như vậy, tôi không có thời gian làm thêm ở các trung tâm để kiếm thêm thu nhập”.
Hiện tại, cô Ngọc An đang kí hợp đồng hai năm với trường, mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Phần lớn chi phí ăn uống, sinh hoạt của cô bây giờ vẫn do bố mẹ chu cấp. Cô Phùng Thị Trà đã được đứng lớp nhưng thu nhập trung bình mỗi tháng chỉ khoảng 4,5 triệu đồng. Để mưu sinh, cô tìm đến các trung tâm bên ngoài dạy thêm, nhưng sau phải nghỉ để tập trung vào công việc chính trên trường yêu cầu nhiều thời gian.
Cô Trà chia sẻ, hiện nay các trường công, trường tư đều đang “khát” nguồn nhân lực. Thậm chí có nhiều trường đang thiếu giáo viên trầm trọng, nhưng lại không có chỉ tiêu tuyển dụng, cũng không có chỉ tiêu biên chế. Nhiều sinh viên mới ra trường không có cơ hội để làm việc, hoặc phải chấp nhận kiêm thêm nhiều môn học không đúng chuyên môn. Thậm chí có nhiều người không dạy đúng chuyên ngành được đào tạo.
Gian nan bám nghề
Được biết, năm học 2022 - 2023, Hà Nội sẽ bổ sung hơn 2.300 biên chế giáo viên, trong đó giáo viên THCS là 1.309 biên chế, giáo viên THPT là 452 biên chế, giáo viên tiểu học là 600 biên chế.
Tuy nhiên, chỉ riêng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có đến 1.700 cử nhân tốt nghiệp trong năm 2022. Chưa kể các trường khác cũng đào tạo về giáo dục như: Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Thủ đô, Đại học Quốc gia Hà Nội…
Chính vì vậy, mỗi năm có rất nhiều giáo viên thất nghiệp hoặc làm trái ngành, vì công việc hợp đồng tại các trường bấp bênh, thu nhập không cao. Quỳnh Anh (sinh viên khoa Ngữ Văn – Đại học Sư phạm Hà Nội) đã tốt nghiệp từ năm 2021 cho biết: “Tôi lựa chọn các trung tâm dạy học để làm việc, vì môi trường năng động, thoải mái và lương cũng cao hơn”.
Mức lương một tháng của Quỳnh Anh trung bình là 7 triệu đồng, chưa kể thưởng. Ngoài ra, Quỳnh Anh cũng chia sẻ: “Thời gian thử việc ở các trung tâm cũng ngắn hơn, tầm một đến hai tháng là kí hợp đồng chính thức, lương thử việc được hưởng 85%”.
Không riêng Quỳnh Anh, nhiều sinh viên ngành Sư phạm ra trường chuyển hướng sang việc dạy tại các trung tâm. Phương Thảo, tốt nghiệp loại xuất sắc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chọn công việc làm tại các trung tâm. Hiện lương của Thảo khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Thảo chia sẻ gia đình không có điều kiện nên sau khi ra trường, cô phải tự chi trả cho cuộc sống. Thảo đã nhiều lần định xin vào các trường làm giáo viên. Nhưng thời gian dạy hợp đồng quá lâu, không biết khi nào mới vào được biên chế nên cô đành “bám trụ” nghề giáo bằng cách dạy ở các trung tâm.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 273 ra ngày 30/9/2022)